Doanh nhân Ấn Độ có tấm lòng vàng với Việt Nam

Anh Shantanu có tình cảm mến yêu Việt Nam hiếm có, vì tình cảm ấy mà anh đã gắn bó với đất nước, con người Việt Nam gần 30 năm qua
Đến thăm gia đình anh Shantanu vào một ngày sát Tết Nhâm Thìn, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi cứ nghĩ một doanh nhân Ấn Độ nổi tiếng gắn bó với Viêt Nam, giám đốc điều hành một công ty lớn như Ishan International phải sống trong một biệt thự sang trọng như nhiều ngườì giàu có ở Ấn Độ.

Tuy nhiên, gia đình anh chỉ sống trong một căn hộ khá bình thường như nhiều gia đình trung lựu khác ở thành phố Noida, cách nơi phân xã chúng tội ở Vasant Kunj, khu vực Nam New Delhi gần 30km.

Điều ngạc nhiên nữa là phòng khách của gia đình được trang bị hầu như toàn những những đồ vật “đặc Việt Nam,” từ bộ ghế salông bằng gỗ, chiếc bàn tiếp khách, chiếc tủ bằng gỗ gụ khảm xà cừ, đến một số bức tranh tường. Thậm chí hai con voi đá trưng bày cùng là “voi” anh khuân từ Việt Nam.

Quả là Shantanu có tình cảm mến yêu Việt Nam hiếm có. Vì tình cảm ấy mà anh đã gắn bó với đất nước, con người Việt Nam gần 30 năm qua ngay từ thời trai trẻ, và đã trụ lại ở Việt Nam 18 năm từ những ngày Việt Nam còn khó khăn thiếu thốn trăm bề.

Anh kể sau khi mãn nhiệm 6 năm trên cương vị bí thư Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam năm 1988, anh đã từ chối một nhiệm kỳ công tác tại Liên Xô, nơi nhiều nhà ngoại giao Ấn Độ thời đó từng mơ ước để chuyển sang kinh doanh tại Việt Nam.

Với vốn liếng mở nghiệp ban đầu vỏn vẹn 1.000 USD. Anh và các cộng sự phải tiết kiệm tới mức chỉ “đánh” toàn ăn mỳ tôm trong nhiều ngày.

Song với tấm lòng muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam, góp một phần vào sự phát triển của quê hương thứ hai của mình (như anh thường nói), anh Santanu đã lăn lội khắp nơi từ Nam chí Bắc trên Việt Nam để tìm kiếm, giới thiệu với các đối tác Việt Nam những thiết bị của Ấn Độ tương tự như của châu Âu với chất lượng khá tốt những với giá thành chỉ bằng một nửa của châu Âu, hợp với khả năng tài chính của Việt Nam.

Gắn bó với Việt Nam, Anh Shantanu đã thành công với sự phát triển của quan hệ kinh tế-thương mại hai nước.

Từ vốn khởi nghiệp nhỏ nhoi ban đầu, nay anh đã là tổng giám đốc điều hành của ty Ishan International có số vốn hàng trăm triệu USD với trụ sở tại New Delhi chuyên cung cấp các thiết bị thủy điện vừa và nhỏ, y tế, mía đường, dệt may, chế biến nông sản, xử lý môi trường.

Anh cũng là người sáng lập và là chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) hoạt động trong hàng loạt lĩnh vực công nghệ thông tin, dược phẩm, thương mại, dịch vụ, khí đốt, dầu mỏ, thiết bị công nghiệp, hoá chất, ngân hàng... Hiệp hội này có quan hệ mật thiết với các phòng Công nghiệp và Thương mại của Ấn Độ, Việt Nam và hơn 20 hiệp hội khác hoạt động tại Việt Nam.

Là người tâm huyết anh Santanu luôn thẳng thắn nêu ý kiến xây dựng nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Anh cho rằng muốn tăng cường quan hệ thương mại các doanh nghiêp hai bên cần phải hiểu nhau, hiểu thị trường và nhu cầu của nhau hơn; bởi vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào Ấn Độ, mở văn phòng đại diện tại thị trường khổng lồ với 1,2 tỷ dân và đang trên đà phát triển rất nhanh này.

Trò chuyện với chúng tôi anh tỏ ý lấy làm tiếc khi Ấn Độ có gần 80 văn phòng đại diện tại Việt Nam, song chưa một công ty Việt Nam nào mở văn phòng đại diện tại Ấn Độ. Điều này cũng đã được anh nêu lên với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp Phó Thủ tướng tháp tùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ tháng 10 năm ngoái.

Theo anh Shantanu, nếu các công tư Việt Nam đầu tư vào Ấn Độ chắc chắn sẽ có lãi. Bởi nếu Việt Nam sản xuất trong nước để xuất khẩu sang Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu, thiết bị nên giá thành cao. Tuy nhiên, nếu sản xuất tại Ấn Độ thì không cần nhập khẩu những mặt hàng tương tự đồng thời làm ra sản phẩm được bán tại thị trường rộng lớn của Ấn Độ hoặc xuất khẩu cả ra nước ngoài.

Có thể nói rằng anh Shantanu là một trong những người có công trong việc tích cực thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam đang trên đà tăng nhanh từ 1 tỷ USD năm 2006 lên gần 4 tỷ năm nay, và lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu đạt 7 tỷ USD vào năm 2015.

Anh Shantanu thường xuyên quyên góp cho quỹ ủng hộ người dân Việt Nam bị bão lụt, có lần tới hơn 100 triệu đồng để xây dựng 20 ngôi nhà tình thương cho người nghèo ở huyện Cần Giờ. Anh cũng đã tặng sinh viên một số trường đại học và cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh số học bổng trị giá hàng trăm triệu đồng, tặng 50.000 USD để xây dựng một phòng thí nghiêm nhuộm vải…

Ngoài lĩnh vực kinh doanh, Shantanu cũng rất hào hứng khi nói về ẩm thực Việt Nam. Anh nói rất thích các món phở, nem, gỏi cuốn, cơm rang… Anh đùa rằng về khoản ẩm thực anh còn “Việt Nam hơn nhiều người Việt Nam” vì đặc biệt thích món xôi lạc “chấm nước mắm.”

Với những thành tích đóng góp cho phát triển quan hệ Ấn-Việt, tên anh Shantanu đã được lần nhắc tới trên nhiều tờ báo Việt Nam và Ấn Độ. Ghi công anh, Việt Nam đã dành cho anh nhiều phần thưởng cao quý như Huy chương Hữu nghị (năm 2000), Huân chương Hữu nghị (năm 2003), Kỷ niệm chương vì Hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc, Huy hiệu công dân danh dự Thành phố Hồ Chí Minh (1992)... Nhà nước Ấn Độ cũng đã trao tặng anh giải thưởng “Paravasi Bhatiya Samman.”

Khi được hỏi điều gì thôi thúc anh tận tuỵ đóng góp cho quan hệ hai nước, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam cũng như làm điều thiện trên quê hương thứ hai của mình, anh trả lời thật giản dị mà vô cùng sâu sắc: “Bởi tôi yêu kính Bác Hồ Chí Minh, yêu đất nước và nhân dân Việt Nam.”

Cũng thật cảm động khi chi Nishi, vợ anh Shantanu chuẩn bị cả tới hơn chục món ăn để giới thiệu văn hóa ẩm thực Ấn Độ với “các anh nhà báo” và kể rất hào hứng về các món ăn Việt Nam.

Anh chị còn biết sắp Tết Nhâm Thìn nên khi tiễn chúng tôi ra về cả hai người đã làm chúng tôi bất ngờ khi cùng hô vang: “Xin chào Việt Nam, Chúc mừng năm mới!”./.

Phạm Thảo/New Delhi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục