Từ chối cho tị nạn

Ngày càng có nhiều nước từ chối Edward Snowden

Ấn Độ, Ba Lan và Brazil đều đã lên tiếng bác bỏ đề nghị xin được tị nạn của cựu nhân viên kỹ thuật tình báo Mỹ Edward Snowden.
Ấn Độ ngày 2/7 đã lên tiếng bác bỏ đề nghị xin được tị nạn của cựu nhân viên kỹ thuật tình báo Mỹ Edward Snowden, người đang bị truy lùng vì đã tiết lộ những bí mật về chương trình do thám của Cơ quan an ninh Mỹ NSA. Quyết định này được đưa ra sau khi Nga cho biết Snowden đã từ bỏ ý định xin tị nạn tại Nga, dù  anh này được cho là vẫn đang lẩn trốn tại khu vực quá cảnh thuộc sân bay ở Mátxcơva. Theo AFP, Snowden được cho là đã gửi đơn xin tị nạn tới 21 quốc gia, gồm Áo, Bolivia, Brazil, Trung Quốc, Cuba, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Italy, Ireland, Hà Lan, Nicaragua, Na Uy, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ , Venezuela, Ecuador và Iceland. Trong số những quốc gia trên, mới chỉ có Venezuela và Bolivia ngỏ ý sẵn sàng cho Snowden tị nạn, dù chưa chính thức trong khi ngoài Ấn Độ thì Ba Lan và Brazil đều đã xác nhận từ chối. Trong khi đó, Snowden đã lên tiếng đã cáo buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama “đang gây áp lực cho các nhà lãnh đạo” ở những nước mà Snowden tìm cách xin tị nạn. Trong tuyên bố với dư luận lần đầu tiên kể từ khi rời Hong Kong tám ngày trước, Snowden cáo buộc Obama đã ra lệnh cho Phó tổng thống Joe Biden gây áp lực với lãnh đạo các nước mà anh xin tị nạn. “Hôm thứ Năm, Tổng thống Obama đã tuyên bố với thế giới rằng ông sẽ không cho phép bất cứ ‘trò ngoại giao nhùng nhằng nào’ liên quan tới trường hợp của tôi”, Snowden nói trong một tuyên bố trên WikiLeaks. “Tuy nhiên giờ thì sau khi hứa không làm như thế, tổng thống lại ra lệnh cho phó tổng thống gây áp lực với các nước mà tôi xin được bảo vệ”. Snowden cũng cho biết anh đã viết thư gửi Tổng thống Ecuador Rafael Correa cảm ơn ông vì đã ủng hộ anh tránh bị dẫn độ. “Có vài nhà lãnh đạo thế giới sẵn sàng mạo hiểm đứng lên vì nhân quyền của một cá nhân chống lại chính phủ hùng mạnh nhất trái đất, và sự can đảm của Ecuador và người dân nước này là một tấm gương cho thế giới,” anh viết trong lá thư, mà hãng tin Anh Press Association có được. Correa cho biết ông Biden đã nêu ra vấn đề Snowden trong một cuộc trao đổi giữa hai người cuối tuần trước, yêu cầu tổng thống Ecuador từ chối cho nhân vật này tị nạn. Snowden, trong tuyên bố đưa ra từ nơi tị nạn tại sân bay Sheremetyevo nói ông Obama là kẻ “dối trá” và đã “buộc tôi lưu vong bằng những biện pháp ngoài khuôn khổ pháp luật.” “Đó là những công cụ xấu xa và cổ lổ của chính trị,” Snowden nói. “Mục đích là để đe dọa, không phải là tôi, mà những ai cùng chiến tuyến với tôi”. Chính quyền Obama đã chà đạp lên Tuyên bố chung về nhân quyền của nước Mỹ và đã lựa chọn “chiến lược sử dụng quốc tịch như một vũ khí,” Snowden nói. “Mặc dù tôi không bị kết tội gì, họ đã đơn phương vô hiệu hóa hộ chiếu của tôi, khiến tôi trở thành một người không có quốc gia,” Snowden nói. “Không hề có trát nào từ tòa án, chính quyền Mỹ hiện đang ngăn cản tôi thực hiện một quyền cơ bản, quyền của tất cả mọi người, quyền được tị nạn”.

Một người ủng hộ Snowden đứng ngoài khu vực thuộc sân bay Sheremetyevo, nơi cựu nhân viên tình báo này đang lẩn trốn (Nguồn: AFP)
Snowden, đã bị Mỹ vô hiệu hóa hộ chiếu, ca ngợi riêng Fidel Narvaez, lãnh sự Ecuador ở London, vì đã giúp anh trốn chạy. Nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, tuần trước tiết lộ rằng Narvaez đã cấp cho Snowden một giấy tờ tị nạn nhằm giúp anh đi lại và cho phép Snowden rời Hong Kong tám ngày trước khi Washington đang gây sức ép dẫn độ anh về Mỹ. Correa thông báo ngày thứ Bảy rằng bộ phận lãnh sự tại London đã vượt quá thẩm quyền khi ấn hành giấy tờ này. Ngoài xin tị nạn ở Ecuador, Snowden cũng đã đệ đơn xin tị nạn ở Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thứ Hai nói Snowden có thể ở lại miễn là anh ngừng tiết lộ các bí mật tình báo của Mỹ./.
Trần Trọng Hải Minh

Tin cùng chuyên mục