Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị các cơ quan có liên quan sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, y tế.
Ngày 20/3, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020.

Hội nghị được truyền hình trực tuyến từ Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội) đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 là bước cụ thể hóa định hướng quan trọng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về “phát triển sự nghiệp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm an sinh xã hội,” Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) “Một số vấn đề về chính sách bảo hiểm xã hội giai đoạn 2012-2020.”

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện; thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; quản lý, sử dụng có hiệu quả và bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế. Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được xác định là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Tăng cường quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình bày Hướng dẫn Kế hoạch triển khai Nghị quyết 21.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận nêu những kết quả đã đạt được và khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết đã đặt ra. Các ý kiến phát biểu khẳng định quyết tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Kết luận Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, công tác an sinh xã hội càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, trong đó bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Nghị quyết số 21 đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi người dân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết tới các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách và pháp luật liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần được đẩy mạnh để mọi người hiểu và tự giác tham gia thực hiện.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội,bảo hiểm y tế.

Tập trung vào những nội dung sau, tiếp tục mở rộng loại hình, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân; Bổ sung, hoàn thiện nội dung của các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đảm bảo phục vụ cho người lao động và mọi người dân trước các rủi ro trong nền kinh tế thị trường; Nghiên cứu các giải pháp đảm bảo cân đối quỹ hưu trí, tử tuất trong dài hạn, bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế, nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng trưởng Quỹ Bảo hiểm xã hội; Nghiên cứu các chế tài phù hợp, đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Liên ngành làm tốt công tác phối hợp liên ngành trong tổ chức thực hiện Nghị quyết; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nợ đọng, trốn đóng, lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh lưu ý ngành bảo hiểm xã hội cần quan tâm nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm trong công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức bảo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để nâng cao chất lượng phục vụ, chi trả nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm.

Ngành quản lý chặt chẽ đối tượng đóng và tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo đúng quy định, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết ở cấp mình, ngành mình, đơn vị mình với nội dung cụ thể, phù hợp với thực tế ở địa phương, đơn vị, trong đó cần đặc biệt quan tâm xây dựng các nhiệm vụ, chương trình, giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế, yếu kém và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra./.

Hương Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục