Tây Ban Nha quan tâm dự án tàu điện ngầm TP.HCM

Theo Phó Chủ tịch CEOE, các doanh nghiệp Tây Ban Nha rất quan tâm đến dự án xây dựng đường sắt đô thị và tàu điện ngầm ở TP.HCM.
Tại cuộc gặp các doanh nghiệp Việt Nam sáng 9/11 ở Hà Nội, ông Jesús Banegas, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giới chủ và Công nghiệp Tây Ban Nha (CEOE), cho biết các doanh nghiệp nước này đang rất quan tâm đến dự án xây dựng đường sắt đô thị và tàu điện ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Jesús Banegas, đồng thời là trưởng đoàn doanh nghiệp Tây Ban Nha, đang  ở thăm Việt Nam từ ngày 7 đến ngày 13/11.

Ngoài dự án trên, các doanh nghiệp Tây Ban Nha còn mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng cầu cảng, sân bay, năng lượng điện tái sinh, điện hạt nhân, viễn thông.

Nhấn mạnh những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Tây Ban Nha, lãnh đạo CEOE đồng thời bày tỏ hy vọng chuyến thăm Tây Ban Nha của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 12 tới sẽ là cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh, tạo động lực để kim ngạch thương mại song phương đạt tăng trưởng hơn 30% trong những năm tới.

Cũng theo ông Jesus Banegas, nhu cầu nhập khẩu của Tây Ban Nha rất lớn và các sản phẩm của Viêt Nam ngày càng được người tiêu dùng Tây Ban Nha ưa chuộng. Minh chứng rõ nhất là Tây Ban Nha hiện đứng đầu EU về nhập khẩu cá tra, basa của Việt Nam.

Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Phạm Gia Túc khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp Tây Ban Nha đầu tư vào các dự án lớn tại Việt Nam, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, tàu điện ngầm.

Theo Bộ Công Thương, trao đổi thương mại song phương giữa hai nước thời gian gần đây luôn đạt tăng trưởng bình quân 20%/năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Năm 2008, kim ngạch hai chiều Việt Nam-Tây Ban Nha đạt 1,2 tỷ USD và 7 tháng đầu năm nay đạt gần 829 triệu USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam xuất sang Tây Ban Nha phần lớn là giày dép, quần áo và phụ liệu may mặc, càphê, thủy sản, gỗ; nhập khẩu từ nước này máy móc, hóa chất hữu cơ, sắt thép, vật liệu phục vụ công nghiệp thuộc da, dược phẩm.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 10 năm nay, Tây Ban Nha có 14 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 11 triệu USD, đứng thứ 61 trong tổng số 89 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam./.

Khánh Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục