Về "bến đỗ cuối cùng"

Tàu vũ trụ con thoi Discovery về "bến đỗ cuối cùng"

Tàu vũ trụ con thoi Discovery được trưng bày tại Bảo tàng không gian Mỹ sau khi thực hiện thành công 39 chuyến bay vào không gian.
Sáng 17/4, người dân thủ đô Washington đã được chứng kiến một cảnh tượng ngoạn mục khi chiếc máy bay khổng lồ Boeing 747 "cõng" trên lưng tàu vũ trụ Discovery sà xuống thấp chỉ vài trăm mét và bay quanh thành phố nhiều vòng trước khi con tàu vũ trụ huyền thoại này được đưa đến "bến đỗ cuối cùng" là Bảo tàng không gian.

Discovery là tàu vũ trụ lâu năm nhất của NASA, đã thực hiện 39 chuyến bay vào không gian.

Trong suốt 27 năm hoạt động, con tàu này đã bay tổng cộng 238,5 triệu km, đưa 252 lượt nhà du hành lên không gian, với thời gian hoạt động trong không gian là 366 ngày và bay tổng cộng hơn 5.800 vòng quanh Trái Đất.

Tàu đã đưa 31 vệ tinh, trong đó có cả Kính thiên văn Hubble, vào quỹ đạo.

Tàu Discovery sẽ được vận chuyển đến Trung tâm Steven F. Udvar-Hazy tại bang Virginia, nơi đang trưng bày tàu Enterprise, một "người anh em" của Discovery.

Trung tâm này sẽ mở cửa cho khách tham quan vào ngày 19/4. Đồng thời, tàu Enterprise sẽ được chuyển đến trưng bày tại thành phố New York.

Hiện tàu Endeavour đang được trưng bày tại Los Angeles, bang California, còn tàu Atlantis cũng sẽ được đặt tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida.

Để vận chuyển các tàu con thoi đi lại giữa các sân bay, NASA dành riêng một chiếc Boeing 747 được thiết kế đặc biệt để "cõng" các con tàu này trên lưng.

Mỗi lần cất cánh và hạ cánh của chiếc máy bay chở tàu vũ trụ trên lưng đều trở thành một cảnh tượng ngoạn mục đối với người dân Mỹ.

Chương trình của Chính phủ Mỹ đưa tàu con thoi vào vũ trụ đã chính thức kết thúc vào năm 2011 sau 30 năm.

Sau này, các hoạt động tương tự sẽ do các công ty tư nhân thực hiện.

Tàu Discovery được chế tạo từ năm 1979 và hoàn thành năm 1983.

Chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ của tàu này được thực hiện vào ngày 30/8/1984 và chuyến bay cuối cùng kết thúc hồi tháng 3/2011./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục