Tăng phạt xe quá tải

Xe quá tải: “Siết” khâu đăng kiểm, tăng chế tài phạt

Tăng phạt nặng được kỳ vọng khắc phục việc xe quá tải "phá nát" các tuyến đường và “nuốt” hàng nghìn tỉ đồng sửa chữa hạ tầng mỗi năm.
Các tuyến đường Quốc lộ ở nhiều địa phương vẫn ngày đêm bị các xe tải siêu trường, siêu trọng “cày ải” và “nuốt” hàng nghìn tỉ đồng tiền sửa chữa, duy tu bảo dưỡng hạ tầng giao thông mỗi năm. Theo đại diện các cơ quan chức năng, ngoài việc tăng cường kiểm soát xe quá tải qua các trạm cân di động, cố định thì cũng phải siết chặt việc nhập khẩu xe qua đăng kiểm đồng thời bổ sung thêm chế tài xử phạt mới là “chìa khóa” để giải quyết bài toán này. Cầu, đường “oằn mình” chống xe siêu trọng Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), những năm gần đây, phương tiện xe tải gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là xe tải trọng nặng là nguyên nhân chính và chủ yếu gây ra việc xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng của các bộ phận kết cấu cầu đường; gây khó khăn cho công tác khắc phục sự cố, thiệt hại rất lớn về kinh phí và quan trọng hơn là làm giảm tuổi thọ của công trình.     Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng thừa nhận, tình trạng xe quá khổ, quá tải xảy ra trên khắp các tuyến đường, từ Quốc lộ tới tỉnh lộ, tuyến đường liên huyện và đặc biệt, các tuyến đường đê bị băm nát. Thống kê của Khu quản lý Đường bộ II cho thấy, trên hầu hết các tuyến cầu đường mà đơn vị này quản lý đều xảy ra tình trạng xe quá khổ, quá tải làm hư hỏng công trình như Quốc lộ 1, Pháp Vân-Cầu Giẽ, cầu Thanh  Trì, Quốc lộ 5, Quốc lộ 10… Môt kết quả khảo sát của dự án bảo vệ mạng lưới đường bộ Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đã tiến hành kiểm tra thí điểm trên Quốc lộ 5 cho thấy, tuyến đường này trung bình có 1.000 xe quá tải/ngày (chiếm tỷ lệ 20%-30%), trong đó có xe tổng trọng tải lên đến 80 tấn, có xe 54 tấn trên trục sau, vượt quá tải 200% theo quy định. Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: “Hệ thống cầu đường đã bị hư hại một cách nghiêm trọng. Nhiều cầu yếu phải ‘oằn mình’ gánh chịu những lượt xe quả tải, đẩy nhanh tốc độ, mức độ hư hỏng.” Chứng minh cho thực tế này, ông Nguyễn Xuân Cường đưa ra dẫn chứng, một số Cầu Đại Tân (Quốc lộ 18) bản mặt cầu liên hợp bị hư hỏng nặng, phải làm cầu tạm để đảm bảo giao thông; Cầu Đuống cũ (Quốc lộ 1 cũ) bị thủng lớn bản mặt cầu; cầu Phố Giàng, cầu Ngòi Lực (Quốc lộ 70) bị vỡ bêtông đầu dầm… “Nhiều cầu mới khai thác được 20-30 năm nhưng đã bị hư hỏng nặng. Các đơn vị quản lý phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều lần gây tốn kém ngân sách Nhà nước, làm giảm tuổi thọ của công trình,” ông Nguyễn Xuân Cường thừa nhận. Tại một số tỉnh thành có các khu mỏ quặng, mỏ đá hoặc các cửa khẩu, cảng biển… xe siêu trường siêu trọng vẫn ngày đêm băm nát đường có lúc vượt tải lên tới 200% trong khi hầu hết các tuyến đường này có kết cấu tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường hẹp. Ông Dương Văn Quang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cao Bằng nhìn nhận, thời gian qua, số lượng xe tải tại địa phương gia tăng đột biến trên một số tuyến đường mà chủ yếu là xe container và xe siêu trường, siêu trọng chuyên chở hàng hóa đến các cửa khẩu (ước tính khoảng 500 xe/ngày đêm, trong đó xe container khoảng 200 xe/ngày đêm) đã khiến hệ thống đường sá, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh xuống cấp nghiêm trọng. Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Trọng Hài, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai lo ngại, xe tải trọng nặng đã “càn quét” một số tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh bị hư hỏng cục bộ nền mặt đường tại nhiều vị trí. Cụ thể, những loại xe siêu trường, siêu trọng như xe Hyundai, Samsung (Hàn Quốc); DongFeng, Howo của Trung Quốc được sử dụng vào việc vận chuyển quặng Apatit và một số khoáng sản khác lưu thông trên tuyến Quốc lộ 279, 70, 4E, đường thuộc nội thị Lào Cai luôn bị xe tải ngày đêm quần thảo.
“Siết” nhập khẩu xe, thêm chế tài xử phạt
Để ngăn chặn tình trạng xe quá tải trọng, quá khổ băm nát đường, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã lên kế hoạch triển khai hệ thống trạm kiểm tra trọng tải xe đường bộ (trạm cân) tại Quốc lộ 5 được chọn làm thí điểm từ hôm qua (ngày 9/ 4). Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu liên ngành kiểm tra, xử lý bằng trạm cân, hầu hết doanh nghiệp găm phương tiện không dám chở hàng qua trạm. [Kiểm soát xe quá tải: DN “găm” xe “trốn” trạm cân] Ông Khổng Bình Nguyên, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nam cho rằng, các trạm cân di động sẽ xử lý được xe chở quá tải, cơi nới quá khổ. Ngoài ra, trong quá trình đăng kiểm, những phương tiện này sẽ không được cấp tem kiểm định, giấy đăng kiểm đồng thời Cục đăng kiểm cũng rà soát và không cho nhập các xe tải siêu trường, siêu trọng, vượt quá tải trọng thiết kế cầu đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay. “Một số xe sau khi kiểm định xong, chủ phương tiện lại thay thùng, lốp, nhíp chế rồi tiếp tục vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, gây mất an toàn giao thông và hư hỏng cầu đường,” ông Khổng Bình Nguyên chỉ ra thực trạng này. Dẫn chứng cho thực trạng này, trong một kết quả tính toán của Tổng cục Đường bộ dựa vào khảo sát của các Sở Giao thông địa phương báo cáo cho thấy, nhiều chủng loại xe tải Dong Feng nguồn gốc Trung Quốc có tổng tải trọng cho phép từ 24-30 tấn nhưng khi được cơi cao thùng xe trung bình thêm 30cm thì tổng tải trọng chở và tải trọng trục có thể tăng lên gấp 1,5-2 lần so với trọng tải, trục xe thiết kế của đường bộ. Đề cập đến việc trách nhiệm của địa phương kiểm soát xe quá tải phá nát cầu đường quốc lộ ở các tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, chính quyền ở một số địa phương đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu nên mục tiêu bảo vệ đường, kiểm soát tải trọng xe chưa được coi trọng, chưa được quan tâm đúng mức. “Một số tỉnh viện ra lý do nếu siết chặt kiểm soát tải trọng như thế thì làm sao phát triển kinh tế địa phương. Một năm ngân sách địa phương thêm được khoảng 40-50 tỉ trong khi đó con đường đầu tư gần 200 tỉ bị phá nát sẽ thiệt hại hơn nhiều. Đây là lợi bất cập hại và điều quan trọng nhất là các cấp chính quyền địa phương phải vào cuộc,” ông Lê Đình Thọ cho hay. Ngoài ra, đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67, Bộ Công an) nhìn nhận, lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Thanh tra đường bộ cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi trong Luật giao thông chỉ có chế tài xử phạt đối với người điều khiển xe vi phạm chứ chưa có chế tài xử phạt tới các đối tượng liên quan đến việc xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa tải trọng cầu đường; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tải trọng nhiều lần hoặc đối với những hành vi vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình cầu đường, chưa thực hiện cưỡng chế hạ tải do không có bãi giữ xe vi phạm, không có thiết bị hạ tải, nếu giữ xe trên đường dễ gây ách tắc giao thông bình thường tại vị trí kiểm tra… Nhằm “siết” xe tải “nuốt” đường, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt và triển khai dự án đầu tư xây dựng 11 trạm kiểm tra tải trọng xe và 67 bộ cân lưu động để kiểm soát xe quá tải trên các tuyến đường bộ cho giai đoạn 2013 – 2015. Lý giải về việc sẽ đưa các trạm cân di động đi vào hoạt động trước, Tổng cục Đường bộ cho rằng, các trạm cân này có thể  triển khai ngay, trong khi trạm cố định chưa đủ điều kiện về địa điểm vì phải làm các thủ tục giao đất, xây dựng hệ thống nhà cân, nhà kho dỡ tải... sẽ mất thời gian cũng như kinh phí đầu tư nhiều hơn. “Hiện tượng xe quá tải ‘né’ hai trạm cân cố định đang thí điểm ở Quảng Ninh và Đồng Nai bằng cách  đi vòng qua các tỉnh lộ đã xuất hiện. Vì thế, các trạm cân di động có thể di chuyển địa điểm kiểm soát một cách bất ngờ để ngăn chặn kịp thời hiện tượng né trạm nhằm đạt hiệu quả kiểm soát tải trọng cao,” Tổng cục Đường bộ cho hay./.
Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến tháng 1/2013 số lượng xe tải ở nước ta có 652.111 xe trong đó, xe tải dưới 7 tấn có 526.546 xe (chiếm 80,74%); xe tải từ 7 - 20 tấn là 121.840 xe (chiếm 18,68%); xe tải từ 20 tấn trở lên là 3.725 xe (chiếm 0,58%).
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục