LHQ quan ngại làn sóng bạo lực leo thang tại Iraq

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước thực trạng bạo lực gia tăng ở các địa phương của Iraq.
Ngày 30/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước thực trạng bạo lực gia tăng ở các địa phương của Iraq trong tuần qua làm hàng trăm người thương vong.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi lực lượng an ninh Iraq hết sức kiềm chế nhằm duy trì an ninh trật tự, đồng thời hối thúc người biểu tình tránh các hành động kích động, biến biểu tình thành các cuộc bạo loạn đường phố.

Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Iraq hợp tác và cùng tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng với quyết tâm mạnh mẽ nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc mà nước này đang phải đối mặt. Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định cam kết của Liên hợp quốc "trợ giúp chính phủ và nhân dân Iraq xây dựng một đất nước hòa bình, dân chủ và thịnh vượng."

Đã có ít nhất 50 người thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương trong các vụ bạo lực, xung đột trong tuần qua, nổ ra sau các các cuộc bầu cử địa phương vào ngày 20/4 và các cuộc xung đột sau đó 3 ngày giữa lực lượng an ninh Iraq và những người biểu tình Hồi giáo dòng Sunni phản đối chính phủ tại Hawijah, nằm cách thủ đô Baghdad 220km về phía Bắc.

Cùng ngày, giới chức Iraq cho biết một quả bom phát nổ gần nhà thờ Hồi giáo của người Sunni ở khu vực Dora của thủ đô Baghdad, làm 4 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Các quan chức cảnh sát cho biết quả bom phát nổ sau khi lễ cầu nguyện buổi tối kết thúc. Hiện, chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận chủ mưu vụ tấn công này.

Vụ việc Hawijah đã làm 53 người thiệt mạng và trở thành cuộc đụng độ đẫm máu nhất liên quan đến biểu tình tại các khu vực của người Sunni. Sau vụ việc này, hai bộ trưởng người Sunni đã từ chức, đưa tổng số thành viên Sunni trong Nội các của Thủ tướng Nouri al Maliki từ chức lên 4 người kể từ ngày 1/3.

Sự kiện Hawijah bị cho là sẽ đào sâu thêm chia rẽ trong chính phủ của ông Maliki, vốn đã tồn tại nhiều mâu thuẫn giữa các đảng phái Sunni, Shi'ite và người Kurd xung quanh vấn đề chia sẻ quyền lực. Nhiều người Sunni tại Iraq cho rằng họ bị "gạt ra rìa" kể từ khi cố Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ trong cuộc chiến mà Mỹ phát động năm 2003.

Kể từ đầu tháng 1 năm nay, rất đông người Hồi giáo Sunni đã xuống đường biểu tình tại nhiều tỉnh ở miền Bắc và Tây Iraq, phản đối tình trạng phân biệt đối xử đồng thời cáo buộc Thủ tướng Maliki, người Shii'te, sử dụng bộ máy tư pháp để trấn áp các đối thủ chính trị./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục