Hợp tác Nam-Nam có vai trò thiết yếu trong đầu tư

Các nước đang phát triển khẳng định hợp tác Nam-Nam đóng vai trò thiết yếu thúc đẩy buôn bán, đầu tư giữa các nước đang phát triển.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại diễn đàn cuộc thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64, các nước đang phát triển đã đánh giá cao hợp tác Nam-Nam (Hợp tác của các nước phương Nam)  và khẳng định chính sự hợp tác này đã đóng vai trò thiết yếu thúc đẩy buôn bán và đầu tư giữa các nước đang phát triển.

Các nhà lãnh đạo nhiều nước châu Phi và vùng Caribe nhấn mạnh tăng cường hợp tác Nam-Nam đã mở ra cơ hội giúp các nước nghèo và đang phát triển có được phản ứng tích cực và hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính hiện nay.

Nhiều nước đang phát triển ở châu Á khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa các nước đang phát triển còn khơi dậy tiềm năng to lớn cho tăng trưởng và phát triển trong tương lai.

Sau khi nhấn mạnh vai trò then chốt của xu thế trao đổi hàng hóa và dịch vụ đang tăng lên giữa các nước đang phát triển, đại diện các nước đang phát triển ở Mỹ Latinh cho rằng hợp tác Nam-Nam đã thực sự trở thành công cụ hiệu quả để phát triển kinh tế và chính sách đối ngoại của các nước đang phát triển.

Các nước khu vực Mỹ Latinh và Caribe nêu rõ bức tranh toàn cầu đang biến đổi nhanh đã thúc đẩy các nước đang phát triển đoàn kết bảo vệ lợi ích chung vì họ sở hữu nguồn tài sản đa dạng có thể bổ sung cho nhau cùng phát triển.

Những dẫn chứng sống động về hiệu quả của hợp tác Nam-Nam như chương trình giúp đỡ y tế quốc tế của Cuba ở Mỹ Latinh và châu Phi cũng như những quan hệ văn hóa và lịch sử của khu vực với châu Phi trong thời gian qua. Các nước nghèo có thể vươn ra thế giới nhờ sự hợp tác với nhau để phát triển.

Các nhà lãnh đạo nhiều nước ở Tây Phi cho rằng Liên hợp quốc với 2/3 thành viên là những nước nghèo và đang phát triển và đường lối đa phương trong giải quyết các vấn đề quốc tế là thể chế hợp pháp để thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, Bắc-Nam và huy động phản ứng toàn cầu đối phó với các thách thức.

Chủ nghĩa đa phương với một Liên hợp quốc được tăng cường có tầm quan trọng rất lớn giúp các nước nhỏ, nghèo và đang phát triển đối phó hiệu quả với những thách thức của thế giới đang phát triển như đói nghèo, ma túy và dịch bệnh, khủng bố và tội phạm có tổ chức, ô nhiễm môi trường, xung đột, an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục