Tổng thống Syria Assad: Vẫn còn cơ hội cho đối thoại

Tổng thống Syria cho biết những gì diễn ra tại nước này là một "cuộc chiến tranh" song vẫn còn cơ hội cho đối thoại với phe đối lập.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 17/4 cho biết những gì đang diễn ra tại Syria là một "cuộc chiến tranh" theo mọi nghĩa của từ này, song vẫn còn cơ hội cho đối thoại với phe đối lập.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kéo dài một giờ đồng hồ trên kênh truyền hình thân chính phủ al-Ekhbaria TV nhân kỷ niệm Ngày Độc lập sau khi quân đội Pháp rút khỏi Syria năm 1946, ông Assad tuyên bố: "Syria đang đứng trước một âm mưu xâm chiếm thuộc địa bằng mọi cách và nhiều con đường khác nhau của các thế lực bên ngoài."

Ông cũng tố cáo phương Tây hậu thuẫn mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Syria, đồng thời cho rằng họ sẽ phải trả giá vì điều đó giống như những gì họ đã làm ở Afghanistan.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Syria đã ra tuyên bố nêu rõ Pháp cần phải chấm dứt can dự vào công việc nội bộ của Syria sau khi Pháp bày tỏ nghi ngờ, cho rằng sắc lệnh tổng ân xá mới ban bố của Tổng thống Assad chỉ là một "âm mưu kéo dài thời gian."

Phát biểu của ông Assad cũng muốn nói tới các lực lượng nổi dậy Hồi giáo có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, sau khi nhóm cực đoan Mặt trận Al-Nusra gần đây tuyên bố gắn với mạng lưới này.

Ông cũng kêu gọi nước láng giềng Jordan "chú ý hơn" đến tình trạng hàng nghìn quân khủng bố có vũ trang thâm nhập Syria từ Jordan. Ông cảnh báo: "Ngọn lửa bạo lực sẽ không chỉ dừng lại ở biên giới Syria" mà có thể lan sang các nước khác trong khu vực.

[LHQ kêu gọi tìm giải pháp cho khủng hoảng Syria]

Về cuộc đối thoại, Tổng thống Assad gạt bỏ mọi khả năng chia cắt Syria, song cho biết "không có giới hạn đỏ nào cho đối thoại, trừ hai việc là nền độc lập của Syria - tức là không có sự can dự của nước ngoài vào công việc nội bộ - và hỗ trợ quân khủng bố."

Theo ông, các điều kiện tại Syria hiện đang tốt hơn nếu so với khi bùng phát cuộc xung đột này, và người dân đều ý thức về sự nguy hiểm. Ông kêu gọi tất cả các bên tham gia để cuộc đối thoại thành công.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn trên, ông Assad nhấn mạnh rằng chính người dân Syria sẽ quyết định việc ông nên ở lại hay ra đi, ngụ ý rằng ông có thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm 2014.

Trước đó, Nga và Iran cũng đều nói rằng chỉ có thất bại trong bầu cử mới có thể "lật đổ" ông Assad.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhận định "thảm kịch tại Syria đang ngày một xấu đi" đồng thời cho biết Liên hợp quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy một giải pháp đối thoại cho cuộc khủng hoảng dai dẳng này.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon cho biết các hoạt động quân sự đang hủy hoại quốc gia này và đẩy khu vực vào tình trạng nguy hiểm. Ông nhấn mạnh: "Người dân đang phải trả giá, họ cần được bảo vệ."

Theo Tổng Thư ký, Liên hợp quốc đang nỗ lực hết sức để phân phát các hỗ trợ cần thiết cho hơn một triệu người tị nạn Syria ở các nước láng giềng.

Liên quan đến Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) về Syria Akhdar Brahimi, Tổng Thư ký cho biết ông Brahimi sẽ tiếp tục đại diện cho cả hai tổ chức quốc tế này. Tuyên bố của Tổng Thư ký đã bác bỏ những tin đồn trước đó về việc ông Brahimi chỉ muốn đại diện cho Liên hợp quốc và cắt mọi liên hệ với AL. Tổng Thư ký khẳng định việc Liên hợp quốc phối hợp với AL là yếu tố rất quan trọng để giải quyết vấn đề Syria.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng cho biết hiện Chính phủ Syria vẫn chưa cho phép một nhóm các chuyên gia quốc tế vào nước này để điều tra những cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc xung đột ở nước này. Chính phủ Syria muốn cuộc điều tra chỉ được giới hạn ở một sự kiện đơn lẻ hôm 19/3 tại ngôi làng Khan al-Assal ở ngoại ô thành phố Aleppo.

Trong khi đó, Anh và Pháp muốn Liên hợp quốc điều tra các cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học ở làng trên và vụ việc tương tự tại một ngôi làng khác là Ataybah, gần thủ đô Damascus cùng ngày, cũng như tại thành phố Homs, miền Trung vào ngày 23/12/2012. Hiện nhóm thanh sát viên này đang ở Cộng hòa Síp chờ được cấp phép nhập cảnh Syria.

Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt về dầu mỏ đối với Syria nhằm giúp phe đối lập. Các nguồn tin ngoại giao cho biết nếu các Ngoại trưởng EU nhất trí trong cuộc họp vào ngày 22/4 tới tại Luxembourg thì các công ty của EU có thể nhập khẩu dầu mỏ từ một số khu vực có chọn lọc ở Syria hiện do phe đối lập kiểm soát.

Hơn nữa, các công ty ở EU có thể nối lại hoạt động đầu tư và xuất khẩu trang thiết bị trong lĩnh vực khai thác dầu khí sang Syria. Trước đó, EU đã ban hành lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ của Syria từ tháng 9/2011, sau đó là cấm nhập khẩu dầu từ tháng 12 cùng năm. Trong cuộc họp tuần tới, EU cũng sẽ xem xét khả năng nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria vốn sẽ hết hạn vào ngày 31/5 tới. Vấn đề này hiện đang gây chia rẽ trong nội bộ EU.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Jordan Mohammad Momani cho biết Mỹ có kế hoạch triển khai 200 quân tại Jordan do “tình hình ngày càng xấu đi” ở Syria. Ông không tiết lộ khi nào Mỹ sẽ triển khai số binh sĩ này tại Jordan, song cho biết kế hoạch trên nằm trong sự hợp tác quân sự Mỹ-Jordan nhằm tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trang Jordan trong bối cảnh tình hình ngày một xấu đi ở Syria./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục