Thượng viện Mỹ đặt điều kiện thông qua ba FTA

Thượng viện Mỹ đưa ra đề xuất quan trọng với việc thông qua các hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ với Colombia, Panama và Hàn Quốc.
Với 84 phiếu thuận và 8 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 19/9 đã đưa ra một đề xuất quan trọng được coi là quyết định đối với việc thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) vốn bị trì hoãn lâu nay giữa Mỹ với Colombia, Panama và Hàn Quốc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và các đối thủ thuộc đảng Cộng hòa đều nhất trí rằng việc thông qua 3 FTA kể trên sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ, vốn đang phải vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao trên 9% trong nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, Tổng thống và các đồng minh đảng Dân chủ cũng kêu gọi xem xét lại chương trình Hỗ trợ Điều chỉnh Thương mại (TAA) dành cho những người lao động Mỹ bị thiệt hại do sự cạnh tranh của nước ngoài, trước khi thông qua các hiệp định trên.
Theo đề xuất của Thượng viện, dự luật khôi phục chương trình ưu đãi thương mại dành cho các nước đang phát triển có tên gọi Hệ thống ưu đãi chung (GSP), đã được Hạ viện thông qua cách đây 2 tuần, sẽ được đưa ra thảo luận tại Thượng viện cùng một điều luật bổ sung gắn với việc xem xét lại TAA, trước khi dự luật bổ sung mới được gửi lại Hạ viện thông qua một lần nữa.

Không rõ bước tiếp theo sẽ là gì. Nhiều khả năng Tổng thống Obama sẽ đợi đến sau khi Hạ viện thông qua dự luật khôi phục GSP với điều khoản bổ sung liên quan tới TAA, rồi mới chuyển các FTA với Colombia, Panama và Hàn Quốc để Quốc hội thông qua.

Theo giới quan sát, dự luật mới này sẽ nhận được đủ số phiếu cần thiết từ phe Cộng hòa để có thể được thông qua.

Do vậy, các FTA kể trên dự kiến cũng sẽ vượt qua trở ngại tại Quốc hội đang bị chia rẽ của Mỹ, bất chấp việc lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện Harry Reid mới đây tuyên bố sẽ bỏ phiếu chống, cũng như sự phản đối của các nghị sỹ đến từ các bang có tư tưởng bảo thủ vốn lo ngại các FTA sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp ở Mỹ.

Bị gián đoạn từ khi hết hiệu lực hồi tháng 12/2010 sau 35 năm được thực hiện và không được gia hạn do một số thượng nghị sỹ ngăn cản, chương trình GSP cho phép 130 nước đang phát triển xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm hàng hóa sang Mỹ mà không bị đánh thuế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục