Fannie Mae-Freddie Mac cần bơm thêm 215 tỷ USD

FHFA cảnh báo hai tập đoàn Fannie Mae và Freddie Mac có thể cần thêm 215 tỷ USD tiền cứu trợ để tiếp tục ổn định và phát triển.
Cơ quan tài chính nhà đất liên bang của Mỹ (FHFA) ngày 21/10 đã lên tiếng cảnh báo rằng hai tập đoàn cho vay thế chấp lớn nhất nước này là Fannie Mae và Freddie Mac có thể sẽ cần thêm 215 tỷ USD tiền cứu trợ từ chính phủ để có thể tiếp tục ổn định và phát triển.

FHFA đã nêu chi tiết về ba kịch bản có thể xảy ra đối với Fannie Mae và Freddie Mac, theo đó kịch bản xấu nhất là chính phủ cần bơm thêm 215 tỷ USD cho các nhà cho vay thế chấp đang gặp khó khăn này.

Thậm chí, trong trường hợp không xảy ra "cuộc suy thoái thứ hai nghiêm trọng hơn" ở thị trường nhà đất, Fannie Mae và Freddie Mac cũng sẽ cần thêm 73 tỷ USD để giải quyết các khoản thua lỗ từ các món thế chấp gặp rắc rối.

Trước đó, 50 bang của Mỹ ngày 14/10 đã phát động một cuộc điều tra ngành công nghiệp cho vay thế chấp, một hành động mà các chuyên gia lo ngại sẽ gây ra sự bất ổn và đe dọa sự hồi phục của thị trường nhà đất.

Theo các số liệu, hơn 2,5 triệu ngôi nhà tại Mỹ bị tịch thu trong thời gian từ tháng 12/2007 đến tháng 8/2010 và dự kiến, các ngân hàng sẽ tịch thu 1,2 triệu ngôi nhà trong năm nay - một con số kỷ lục. Các chuyên gia cảnh báo việc điều tra có thể làm trì hoãn quá trình thu hồi nhà.

Trong đề xuất ngân sách cho năm 2011, Chính phủ Mỹ đã nâng đầu tư thêm hơn 40%, mức tối đa cho hai tập đoàn đóng vai trò chủ chốt trong chương trình của Tổng thống Barack Obama đưa ra vào tháng 8/2009 nhằm "giải cứu" thị trường nhà đất Mỹ từ mức 170 tỷ USD lên 188 tỷ USD. Chính phủ Mỹ cũng dự kiến tiếp tục "bơm" tiền vào hai đại gia này đến hết năm 2011.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội, cơ quan liên bang cung cấp số liệu kinh tế cho Quốc hội Mỹ, ước tính với việc hỗ trợ Freddie Mac và Fannie Mae, ngân sách liên bang sẽ bị "ngót" 389 tỷ USD cho đến hết năm 2019.

Theo các chuyên gia tài chính, việc giải cứu Fannie và Freddie là vụ giải quyết hậu quả của cuộc suy thoái tài chính gây tốn kém nhất và thông báo tài chính của hai công ty này cho thấy cả hai đều chưa tìm thấy con đường làm ăn có lãi./.

Khắc Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục