Hàn Quốc tham vấn Nhật Bản về khả năng tham gia TPP

Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản Koji Tsuruoka khẳng định Nhật Bản hoan nghênh mong muốn của Seoul về việc tham gia đàm phán TPP.

Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 6/3 đã tiến hành đàm phán tại Tokyo nhằm xem xét khả năng Seoul có thể tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi nước này bày tỏ ý định tham gia tháng 11/2013.

Phát biểu sau cuộc gặp kéo dài hai giờ với Trợ lý Thương mại Hàn Quốc Tae Hee, trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản Koji Tsuruoka khẳng định Nhật Bản hoan nghênh mong muốn của Seoul về việc tham gia đàm phán TPP.

Theo ông, hai bên cần tiếp tục nỗ lực hợp tác kinh tế không chỉ là TPP do hai nước có mối quan hệ thương mại mật thiết.

Trước đó, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Akira Amari cũng hoan nghênh việc Hàn Quốc có ý muốn tham gia TPP nếu nước này sẵn sàng đóng góp nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại toàn diện.

Ông cho biết nếu Hàn Quốc quyết định gia nhập TPP, Nhật Bản sẽ yêu cầu Seoul giảm bớt các hàng rào thuế quan về xuất khẩu công nghiệp.

Tokyo và Seoul bắt đầu các cuộc đàm phán tự do thương mại song phương hồi năm 2003, nhưng các cuộc đàm phán này đã bị đình hoãn sau đó một năm.

Cho đến nay Hàn Quốc đã tiến hành tham vấn song phương với 11 nước tham gia TPP và Seoul sẽ tiến hành tham vấn sơ bộ song phương với 12 nước tham gia TPP lần thứ hai trước khi đưa ra quyết định liệu có gia nhập TPP hay không.

Mỹ cũng đã hoan nghênh mong muốn của Seoul tham gia đàm phán thỏa thuận thương mại đầy tham vọng này. Tuy nhiên, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman nhấn mạnh rằng các thành viên mới chỉ được gia nhập TPP khi các cuộc đàm phán hiện nay giữa 12 nước Vành đai Thái Bình Dương kết thúc.

Đến nay, tiến trình đàm phán TPP đã kéo dài ba năm và hiện có 12 nước tham gia (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam), với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Các bên hy vọng một khi được ký kết, hiệp định này sẽ giúp xóa bỏ phần lớn các rào cản thương mại, đảm bảo quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ.

Với các mục tiêu trên, TPP được coi là hiệp định thương mại đa phương tham vọng nhất kể từ khi vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu vẫn chưa có tiến triển, cho phép đặt ra “tiêu chuẩn cao” trong việc loại bỏ thuế quan và rào cản phi thuế quan vốn là những nguyên nhân hạn chế tăng trưởng.

Đối với Mỹ, TPP sẽ giúp nước này tạo thêm nhiều việc làm và là một thành tố quan trọng trong chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục