Liên hợp quốc: Vũ khí nhỏ vẫn mang lại nguy cơ lớn

Đại Hội đồng Liên hợp quốc nhất trí khẳng định ngoài vũ khí hạt nhân, vũ khí nhỏ và nhẹ vẫn là nguy cơ lớn đối với thế giới.
Cuộc thảo luận chung toàn thể của Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 ngày 8/10 đã nhất trí khẳng định ngoài vũ khí hạt nhân, vũ khí nhỏ và nhẹ vẫn là nguy cơ thực sự lớn đối với thế giới.

Không chỉ số nạn nhân của những loại vũ khí này đặc biệt lớn mà nó còn kích động thị trường chợ đen vũ khí và thổi bùng các cuộc xung đột.

Nhiều nước châu Phi thậm chí còn cho rằng vũ khí nhỏ và nhẹ là vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với châu lục này. Sự phổ biến các loại vũ khí này ở châu Phi đã đe dọa nghiêm trọng hòa bình và làm bùng lên nhiều cuộc xung đột trên khắp châu Phi.

Số lượng lớn vũ khí từ các nguồn hợp pháp tuồn ra thị trường chợ đen ở châu Phi đã đến mức báo động, làm bùng lên các cuộc xung đột vũ trang và gây ra những thảm họa nhân đạo ở châu lục này.

Khu vực Sừng châu Phi là một trong những khu vực bất ổn và bị tác động nặng nề nhất của các loại vũ khí nhỏ và nhẹ.

Nhiều nước châu Phi đã phải dành tỷ lệ lớn trong thu nhập vốn ít ỏi của mình để trang bị và huấn luyện quân đội nhằm đối phó với hiện trạng này.

Nguồn nhân lực và tài chính lớn phải dành cho các vấn đề an ninh đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lực dành cho phát triển, tác động tiêu cực đến tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) ở châu lục Đen.

Nhiều nước châu Á và Mỹ Latinh cũng cho rằng thế giới đương đại đã vũ trang quá mức, không tương xứng với đầu tư phát triển khi mà ngân sách quân sự thế giới vượt quá 1.500 tỷ USD hàng năm, trong khi gần 1 tỷ người trên toàn cầu vẫn sống nghèo khổ.

Trong bối cảnh đã đạt được tiến bộ thực sự tiến tới thỏa thuận thiết lập khuôn khổ tạm thời về buôn bán vũ khí hợp pháp và loại trừ buôn bán bất hợp pháp, đại diện các nước tham dự cuộc thảo luận nhất trí kêu gọi Liên hợp quốc xây dựng và các nước thành viên Liên hợp quốc sớm ký Công ước về buôn bán vũ khí thông thường, trong đó bao gồm các loại vũ khí thông thường và đạn dược, các quy chế chuyển giao và các điều khoản pháp lý về tôn trọng nhân quyền và quyền nhân đạo quốc tế.

Một hiệp ước mạnh và có hiệu lực quốc tế như vậy sẽ giúp hạn chế tác động tàn phá của các loại vũ khí thông thường, góp phần thực hiện MDGs./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục