Triển khai quy định về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ

Ban Dân vận Trung ưng đã tổ chức hội nghị triển khai các quy định của Bộ Chính trị về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 11/1, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai các Quyết định của Bộ Chính trị về việc ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội” và "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.”

Chủ trì Hội nghị, bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương nêu rõ, vấn đề giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân luôn được Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc hiện thực hóa trong đời sống xã hội.

Giám sát, phản biện xã hội và góp ý đã được xác định trong Nghị quyết của Đảng, trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân đã thực hiện có hiệu quả vai trò của mình. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến góp ý đối với một số hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Các hoạt động đã góp phần tích cực vào việc xây dựng Cương lĩnh chính trị, Hiến pháp, pháp luật, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân chưa được nhiều, nhiều nơi còn hình thức, kém hiệu quả.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết nhấn mạnh việc Bộ Chính trị đã ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội;” Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của Đảng trong tình hình hiện nay.

Sự ra đời của Quy chế, Quy định này thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Đây thực sự là kết quả phản ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta, là sự hòa quyện giữa ý Đảng lòng dân trong quá trình phát triển, triển khai và cụ thể hóa cơ chế “ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.”

Việc ban hành Quy chế và Quy định này là điều kiện, công cụ để mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích và lợi ích chính đáng của nhân dân,là phương thức để mở rộng dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Theo Quy chế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Theo Quy định của Bộ Chính trị, việc góp ý nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Việc góp ý được thực hiện từ Trung ương đến cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam , các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân góp ý với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên công tác ở cơ quan, đơn vị cùng cấp.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe giới thiệu về những nội dung cơ bản của “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội;” “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền;” dự thảo hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương triển khai Quy chế, Quy định này.

Từ kinh nghiệm thực tiễn công tác tại các địa phương, đơn vị, các đại biểu đã thảo luận góp ý bổ sung vào các dự thảo hướng dẫn, đề xuất các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện để Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị được triển khai nhanh chóng, hiệu quả ở các cấp, các ngành, các tổ chức./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục