Bắt đầu xử tranh chấp bản quyền Apple, Samsung

Phiên tòa về tranh chấp bằng sáng chế giữa hai hãng công nghệ hàng đầu thế giới là Apple và Samsung đã khởi sự tại Mỹ ngày 30/7.
Phiên tòa về tranh chấp bằng sáng chế giữa hai hãng công nghệ hàng đầu thế giới là Apple và Samsung đã khởi sự tại Mỹ ngày 30/7 khi tòa án Mỹ bắt đầu thủ tục bầu chọn hội thẩm đoàn.

[Samsung - Apple và cuộc chiến "dế" thông minh]

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong ít nhất 4 tuần và Hội thẩm đoàn sẽ quyết định liệu Samsung có sao chép thiết kế của Apple hay không.

Thẩm phán Tòa án Mỹ Lucy Koh đã tiến hành thẩm tra hơn ba mươi ứng cử viên để lựa chọn 9 người ngồi ghế Hội thẩm đoàn trong phiên tòa "lịch sử" này.

Các câu hỏi mà thẩm phán đặt ra liên quan đến loại điện thoại họ đang sử dụng, tác động của suy thoái kinh tế đối với cuộc sống của họ, kinh nghiệm pháp lý và những mối liên hệ với Samsung, Apple… Đây sẽ là phiên tòa lớn nhất trong số các cuộc chiến bằng sáng chế liên quan tới doanh số khổng lồ bán điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Cuộc chiến này được bắt đầu từ năm ngoái khi Apple kiện Samsung lên tòa án liên bang Mỹ ở thành phố San Jose, bang California, cáo buộc đối thủ Hàn Quốc sao chép bất hợp pháp mẫu các sản phẩm iPhone và iPad.

Phía Samsung đã phản bác cáo buộc này và tuyên bố rằng họ đã có các thiết kế tương tự iPhone vào năm 2006, trước khi Apple giới thiệu dòng sản phẩm cách mạng. Samsung cũng sẽ chứng minh rằng những điểm tương đồng trong tính năng phần mềm và phần cứng cơ bản trong điện thoại thông minh và máy tính bảng là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, Samsung sẽ trích dẫn các tài liệu thiết kế của Apple để khẳng định rằng nó rất giống thiết kế mẫu sản phẩm mang logo “Jony” của hãng Sony.

Samsung đang nổi lên là đối thủ lớn nhất của Apple với sự xuất hiện của một số dòng sản phẩm, đặc biệt là Galaxy S3. Nếu thua kiện, Samsung có thể đối mặt với án phạt bồi thường khổng lồ, chịu đòn mạnh giáng vào uy tín của mình và lệnh cấm bán một số sản phẩm ăn khách nhất trên thị trường Mỹ.

Việc lựa chọn Hội thẩm đoàn được coi là một thách thức rất lớn vì dư luận lo ngại phiên tòa diễn ra tại Mỹ và các thành viên bồi thẩm đoàn sẽ có thái độ thiên vị đối với Apple, hãng hiện có hàng nghìn nhân viên tại Bắc California./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục