Buồn vui nghề buôn tóc

Làng Thiệu Tổ: Buồn vui nghề buôn "góc con người"

Ngày nay tóc trở thành một loại hàng hóa kinh doanh và làm giàu cho biết bao người dân vùng quê Thiệu Tổ, xã Trung Nguyên, Vĩnh Phúc.
“Cái răng, cái tóc là góc con người”. Những thứ đó được người con gái Việt coi trọng, là cái đẹp, cái duyên của người con gái mà ông trời ban cho. Nay nó cũng trở thành một loại hàng hóa kinh doanh và làm giàu cho biết bao người dân vùng quê Thiệu Tổ, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đổi đời nhờ tóc

Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 70km, làng Thiệu Tổ lâu nay được nhiều người biết đến với cái tên làng buôn "một góc" con gái. Làng có cái tên trên bởi ở đây có hàng trăm hộ dân đã và đang ngày đêm hoạt động thu mua tóc phụ nữ ở hầu khắp các vùng miền, tỉnh, thành từ Bắc chí Nam… Thứ hàng hóa đặc biệt này góp phần vào nhu cầu làm đẹp cho nhiều người dân, nhất là giới trẻ.

Với kéo, lược tỉa đuổi, hàng trăm người trong làng đã rong ruổi xe khắp các vùng quê, ngõ phố trong tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành phố để “săn tóc”. Mọi người đều có thể dễ dàng bắt gặp họ trên những nẻo đường, những phiên chợ quê với câu rao quen thuộc: “Ai bán tóc dài, tóc rối đi.”

Hơn 10 năm buôn tóc không phải là khoảng thời gian quá ngắn cũng không phải quá dài đối với làng Thiệu Tổ. Nhưng một điều có thể chắc chắn rằng, nhờ buôn bán tóc mà cuộc sống dân làng nơi đây thực sự đã đổi khác. Tóc xây nên những căn nhà khang trang, hiện đại, có giá trị hàng tỷ đồng. Tóc mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, đủ đầy vật chất.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng thôn Thiệu Tổ cho biết, làng Thiệu Tổ giờ đây đã khác xưa rất nhiều, ai đặt chân đến đây cũng phải ngỡ ngàng trước sự thay đổi, giàu có của làng với những ngôi nhà biệt thự, ô tô sang trọng không thua gì các đại gia thành phố.

Thôn Thiệu Tổ có 400 hộ dân, trước đây người dân chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng hiện nay đất nông nghiệp thu hẹp, làm nông lại không cho hiệu quả cao, nên người dân không mặn mà với nông nghiệp. Nghề buôn tóc xuất hiện ở thôn Thiệu Tổ phải đến chục năm rồi, hầu như cả làng đi buôn tóc. Trên 80% người dân trong thôn đi mua tóc ở khắp nơi trong cả nước, nhiều người còn sang cả Lào, Campuchia để mua tóc.

Lần đầu đến đây, chúng tôi bỡ ngỡ tưởng mình đến nhầm làng, vì chẳng nhìn thấy có biển hiệu quảng cáo tóc hay hàng hóa trưng bày gì cả. Nhưng đằng sau những chiếc cổng sắt cao lớn, những con đường làng làm bằng bê tông, vắng vẻ, trong các kho tóc, xưởng sơ chế, những người phụ nữ từ già đến trẻ, đang thoăt thoắt bàn tay bên hàng đống tóc đủ các loại màu sắc, dài, ngắn, rối, thẳng, to, nhỏ... để chờ các thương nhân nước ngoài về lấy hàng theo đơn đặt.

Theo trưởng thôn Nguyễn Văn Bình, làng chỉ là đầu mối thu gom về, sơ chế theo hợp đồng, rồi chuyển hàng đi. Thi thoảng có những người dò tìm đến đây để bán tóc, hoặc cũng có người đến hỏi mua, nhưng chỉ là khách hàng nhỏ lẻ. Ông Bình còn cho biết, tóc được thu gom về, người thợ sơ chế phải biết cách phân loại, gội chải, phơi hong, dưỡng tóc, phải biết cách chăm sóc nó như những người phụ nữ trau chuốt mái tóc của chính mình vậy.

Theo chân ông Bình vào thăm xưởng của gia đình anh Bốn - một trong những hộ kinh doanh phát đạt nhờ tóc. Anh Bốn cho biết: Tóc được chia ra làm 3 loại: tóc "nóng" là tóc được cắt ngay trên đầu; tóc tỉa là tóc được tỉa gọn gàng trên đầu - là kiểu tóc có giá trị nhất; và tóc rối. Giá cả mỗi bộ tóc tùy thuộc vào độ dài, độ dày của nó... Ứng với độ dài 40cm, 1kg tóc có giá khoảng 3,5 triệu - 4 triệu đồng, 50cm có gia 4,5 triệu - 5 triệu đồng/kg, cũng có thể cao hoặc thấp hơn tùy loại tóc, và cứ tăng giá dần nhưng đến quá 70cm, giá chững lại, hoặc tăng không đáng kể nữa.

Anh Bốn cho biết, ngoài việc buôn tóc, gia đình anh và những họ kinh doanh lớn còn thuê người dân trong làng làm nghề gỡ tóc rối. Trung bình mỗi hộ kinh doanh thuê từ 5-10 lao động gỡ tóc, tiền công 70.000 - 80.000 đồng/ngày, cá biệt vào vụ cấy vụ cày lên tới 100.000 đồng.

Phía sau những cây kéo, lọn tóc

Dân quanh vùng vẫn trầm trồ nể phục dân làng Thiệu Tổ, bởi nơi đây không thiếu nhà cao tầng, xe đẹp. Nhưng những vui buồn trong công việc của người buôn tóc, không phải ai cũng hiểu hết được. Đó là những ngày nắng mưa, rét mướt, nhọc nhằn ngược xuôi trên những con đường đầy bụi cát để kiếm từng mớ tóc rối, tóc dài mang về bán.

Chị Thơm, 25 tuổi nhưng đã gắn bó với nghề gần chục năm, chia sẻ: “Nghề buôn tóc cũng khá vất vả. Với chiếc xe máy và ít đồ nghề tôi phải ra đi từ lúc trời bắt đầu sáng cho kịp các phiên chợ. Trưa ăn vội vàng bát cơm quán rồi lại đi thu mua tóc, về đến nhà trời cũng sẩm tối”. Đến giờ, chị thuộc từng ngõ ngách trong huyện và rất nhiều huyện khác trong tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi nào... có tóc, nơi đó có dấu chân chị.

Anh Nguyễn Văn Thụ, một “đại gia tóc” ở Thiệu Tổ tâm sự: “Nghề buôn tóc cần phải có nhiều vốn mới theo được. Cũng phải vất vả lắm mới kiếm được đồng tiền vì bây giờ đã có khá nhiều người theo nghề buôn này.”

Sự đổi đời của những người đi trước làm giới trẻ trong làng rủ nhau đi buôn “nét duyên con gái”. Không ít các cặp vợ chồng trẻ ở Thiệu Tổ gửi lại con cái cho ông bà, người thân quyết chí làm ăn xa, những nơi nghề mua bán tóc vẫn còn ít người biết đến.

Trong câu chuyện với chị Thơm, chúng tôi nhận ra một nỗi lo canh cánh trong lòng của người làng Thiệu Tổ là ngày càng có nhiều người theo nghề, trong khi đó nguồn nguyên liệu tóc ngày một cạn và khan hiếm. Những mái tóc đẹp giờ chỉ ở những vùng quê, nơi xa xôi mới có. Họ ngược lên những miền cao như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Phú Thọ... thuê nhà ăn ở sinh hoạt, rồi mỗi tháng một lần đánh hàng về thôn cho các đại lý.

Thiệu Tổ đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhưng cái gì cũng có mặt trái, vì mải mê làm giàu, người dân nơi đây đang dần vơi đi trách nhiệm của mình với con cái, gia đình. Ước mơ bình dị của họ là có một nghề ổn định, không phải nay đây, mai đó dãi nắng dầm mưa, có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, ngày ngày họ vẫn phải cùng cây kéo rong ruổi trên các nẻo đường tìm mua “nét duyên con gái”./.

Nguyễn Thị Thảo (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục