Anh hứa hẹn hơn một tỷ ván cá độ mùa World Cup

Không khí ở thủ đô London nói riêng và trên toàn nước Anh những ngày World Cup không khác một ngày hội tưng bừng, rực rỡ sắc màu.
Không khí ở thủ đô London nói riêng và trên toàn nước Anh - quê hương của bóng đá - những ngày World Cup không khác một ngày hội tưng bừng, rực rỡ sắc màu. Có thể nói không ngoa rằng cả nước Anh đang phát cuồng vì bóng đá.

World Cup 2010 được dự đoán sẽ là sự kiện thể thao đầu tiên lôi kéo được hơn 1 tỷ ván cá độ trên toàn nước Anh. Nó sẽ làm tăng gấp đôi số lượng cuộc gọi tới tổng đài xe cấp cứu ở London; làm tăng đột xuất số lượng khách hàng phải nhờ cậy đến dịch vụ tư vấn tình cảm gia đình, lứa đôi của tổ chức từ thiện Relate; và khiến tình trạng trốn việc trở thành nỗi “đau đầu” của các chủ doanh nghiệp.

Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được dự báo sẽ khiến kinh tế Anh thiệt hại khoảng 1 tỷ bảng thông qua số giờ lao động bị mất đi.

Những ngày này ở Anh đi đâu cũng thấy tràn ngập màu cờ của Vương quốc Anh đỏ-xanh nước biển, và màu cờ xứ Anh màu đỏ-trắng. Cờ lớn hiên ngang trên mái nhà, cờ nhỏ kết chuỗi trước cửa và cờ hiệu bay phần phật trên nóc xe ôtô chạy trên đường phố. Ước tính có khoảng 3 triệu chiếc cờ được những cổ động viên của “túc cầu giáo” mang ra sử dụng trong tháng World Cup.

Ở London không có cảnh chạy xe rầm rập trên đường để cổ vũ cho các tuyển thủ quốc gia đang cống hiến ở Nam Phi, thay vào đó sức nóng hò reo của các cổ động viên tập trung vào những tụ điểm công cộng, tất cả đều ở trong nhà. Đó có thể là một quán bar nơi  những người hâm mộ “túc cầu giáo” vừa nhâm nhi đồ uống vừa hò reo đến khản cả cổ; hay một hội trường với màn hình 100 inch độ phân giải cao và âm thanh nổi tương đương ở rạp chiếu phim.

Điểm giống nhau của những tụ điểm công cộng trên là ai muốn có một chỗ ngồi đều phải đặt trước. Giá vé vào cửa một “rạp chiếu bóng đá” có sức chứa 800 người ở trung tâm London trung bình là 10 bảng/người (280.000 VND). Đó cũng chính là một lý do khiến mùa World Cup năm nay lượng tivi màn hình LCD và plasma bán ra đều giảm so với các giải trước. Chuỗi cửa hàng Argos - nhà bán lẻ màn hình tivi lớn nhất ở Anh - cho biết mặt hàng này là nhân tố chủ yếu khiến doanh thu của tập đoàn giảm 8,1% trong quý vừa qua.

Cùng với làn sóng mua cờ là trào lưu mua sắm thực phẩm, đồ uống tích trữ mà hơn 15 triệu cổ động viên Anh không có điều kiện tới Nam Phi để xem trực tiếp đội nhà thi đấu và buộc phải ngồi trước màn hình vô tuyến. Các chuyên gia ước tính nếu đội tuyển Anh tiến được vào vòng loại trực tiếp, nền kinh tế đang vượt qua khủng hoảng của nước này sẽ nhận được thêm khoảng 1 tỷ bảng Anh (tương đương 1,45 tỷ USD) từ doanh số bán lẻ hàng hóa, và nếu vào sâu vòng chung kết con số này sẽ tăng gấp đôi lên 2 tỷ bảng.

Tuy nhiên, cơn sốt bóng đá lại là thủ phạm của tình trạng ăn uống thiếu lành mạnh, khi mà doanh số đồ uống tăng lên chủ yếu là... bia, còn tiêu thụ hoa quả lại giảm mạnh. Trong một tháng diễn ra World Cup ước tính người Anh sẽ uống thêm tổng cộng khoảng 110 triệu lít bia so với bình thường, đồng thời mỗi người giảm tiêu thụ tám loại thực phẩm là hoa quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục