Nâng trách nhiệm xã hội của DN da giày, dệt may

Ngành dệt may và da giày đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn dẫn đến biến động số lao động, thậm chí cả đình công tự phát.
Ngày 25/8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam.”

Các đại biểu đã đề cập, chia sẻ các biện pháp nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc; thiết lập các cuộc đối thoại tích cực giữa người sử dụng lao động, người lao động và các bên liên quan như công đoàn và các công ty mua hàng; các quy trình đối thoại nhằm đảm bảo độ tin cậy và tính minh bạch của các quy trình đối thoại…

Hiện nay, những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may và da giày đang phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn do mức lạm phát cao, mức lương tối thiểu tăng, thiếu nguồn lao động lành nghề... dẫn đến biến động số lượng lao động, sản xuất không ổn định và thậm chí có thể dẫn đến những cuộc đình công tự phát.

Ông Vũ Hữu Tuyên, Phó giám đốc Dự án Hỗ trợ thực hiện pháp luật lao động và thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa của Việt Nam (USAID) cho biết người sử dụng lao động ngày nay buộc phải nhìn nhận quan hệ lao động và quản trị nhân lực từ góc độ chiến lược.

Nói cách khác là không chỉ nhìn từ quan niệm có tính chất truyền thống đối với hoạt động đàm phán thương lượng nội dung và điều kiện làm việc hay thực hiện chức năng công tác nhân sự và phúc lợi.

Theo ông Patrick J. Gilabert, Trưởng Đại diện UNIDO tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và năng lực của các doanh nghiệp này chưa đáp ứng được những yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, hiểu biết và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình trên các phương diện chính như: sản xuất hợp lý về mặt môi trường, cải thiện thông lệ về lao động và nâng cao năng lực canh tranh quốc tế.

Các đại biểu cho rằng, để đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, cả doanh nghiệp và người lao động cần tuân thủ pháp luật lao động.

Về phía các doanh nghiệp, cần đảm bảo điều kiện làm việc thuận lợi, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, thực hiện đầy đủ các chính sách lao động, xây dựng thỏa ước lao động tập thể tiến bộ.

Bên cạnh đó, thường xuyên tiến hành đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động cũng là một giải pháp hữu hiệu./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục