70 nước dự hội nghị "Những người bạn của Syria"

Hội nghị nhằm tìm cách gia tăng sức ép để Chính phủ Syria chấm dứt tình trạng bạo lực suốt 1 năm nay và nhất trí chuyển giao quyền lực hòa bình.
Ngày 1/4, hội nghị "Những người bạn của Syria" lần thứ hai đã khai mạc tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham gia của đại diện hơn 70 quốc gia Arập và phương Tây.

Hội nghị nhằm tìm cách gia tăng sức ép để Chính phủ Syria chấm dứt tình trạng bạo lực suốt một năm nay và nhất trí chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Dự kiến, hội nghị sẽ củng cố vị thế của phe đối lập tại Syria thông qua việc các đại biểu sẽ cân nhắc khả năng nâng quy chế của Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) của phe đối lập lên thành đại diện chính thức của nhân dân Syria.

Các chủ đề khác trong chương trình nghị sự sẽ là siết chặt các trừng phạt đối với Damascus, thiết lập các vùng đệm trong lãnh thổ Syria và thảo luận các cách thức phân phát hàng cứu trợ cho các nạn nhân.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara đứng bên cạnh nhân dân Syria. Ông khẳng định không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào, nhưng sẽ đấu tranh bảo vệ tự do trong khu vực.

Theo ông, "vấn đề tại Syria không chỉ ảnh hưởng tới Syria mà tới toàn bộ khu vực và thế giới." Vì vậy, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hòa cùng một giọng và cùng hành động để chấm dứt đổ máu tại Syria. Ông cũng nhấn mạnh: "Nước Syria mới sẽ chỉ do người dân Syria quyết định."

Hội nghị tại Istanbul có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, song vắng mặt Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan và Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton.

Nga và Trung Quốc - hai quốc gia từng hai lần phủ quyết nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria - cũng không tham gia, trong khi Iran và nhiều nước khác không được mời tới dự.

Trước thềm hội nghị trên, Tổng thư ký AL Nabil al-Arabi kêu gọi các đại biểu tham gia hội nghị gây sức ép để Liên hợp quốc thông qua các biện pháp mang tính ràng buộc để chấm dứt đổ máu tại Syria. Trong khi đó, Chủ tịch SNC Burhan Ghalioun kêu gọi hội nghị ủng hộ vũ trang cho quân nổi dậy.

Phản ứng về việc tổ chức hội nghị trên, truyền thông Syria ngày 1/4 cáo buộc cuộc họp này là nhằm phá hoại sứ mệnh của Đặc phái viên Annan. Nhật báo al-Baath cho rằng cuộc họp này "đơn giản là một cuộc tranh cướp quốc tế để tìm cách sát hại thêm người Syria... nhằm phá hoại sứ mệnh của ông Annan," và sẽ không giúp lập lại ổn định cho Syria.

Nhật báo Tishrin, phát ngôn của Chính phủ Syria, thì lên án vai trò của Qatar và Arập Xêút trong cuộc khủng hoảng tại Syria.

Bài báo viết: "Thách thức lớn nhất chống lại sứ mệnh của ông Annan nằm ở chính sách thù địch của cả Qatar và Arập Xêút đối với Syria." Trong khi đó, báo al-Thawra cũng có bài viết cho rằng hội nghị tại Istanbul là nhằm cản trở sứ mệnh của ông Annan.

Trong một diễn biến khác ngày 31/3, Ngoại trưởng Syria Jihad Makdisi cho biết quân đội nước này sẽ rút lui khỏi các thành phố khi nào hòa bình và an ninh được tái lập.

Hãng thông tấn chính thức của Syria SANA dẫn lời ông Makdisi nêu rõ: "Sự hiện diện của quân đội Syria tại các thành phố là nhằm bảo vệ dân thường. Khi hòa bình và an ninh được lập lại hoàn toàn, quân đội sẽ rút lui."

Tuyên bố này được đưa ra vài giờ sau khi văn phòng của ông Annan yêu cầu chính quyền Syria chấm dứt các hoạt động quân sự trước, vì họ là "phe mạnh hơn" và để "bày tỏ thiện chí."

Cùng ngày 31/3, Mỹ và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã ra thông cáo chung, hối thúc ông Annan đặt ra thời hạn chót để Tổng thống Syria thực thi đề xuất hòa bình mới và chấm dứt nạn bạo lực nhằm vào người biểu tình.

Thông cáo cũng kêu gọi các quốc gia "có mối quan hệ trực tiếp với chế độ Syria gia nhập các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục