"Rwanda hậu thuẫn lực lượng chống đối ở Congo"

Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã báo cáo quân đội Rwanda hậu thuẫn lực lượng chống đối chống lại các binh sỹ CHDC Congo.
Ngày 29/8, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Edmond Mulet, đã báo cáo lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc quân đội Rwanda hậu thuẫn lực lượng chống đối chống lại các binh sỹ Cộng hòa Dân chủ Congo và Liên hợp quốc.

Phát biểu tại phiên họp kín của Hội đồng Bảo an, ông Mulet khẳng định Liên hợp quốc có "những báo cáo nhất quán và đáng tin cậy" về việc quân đội Rwanda xâm nhập lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Congo trong những ngày gần đây, gây thiệt hại cho bốn quân đoàn trực thuộc Liên hợp quốc và làm một nhân viên gìn giữ hòa bình người Tanzania thiệt mạng.

Về phần mình, Phó Đại sứ Rwanda tại Liên hợp quốc Oliver Nduhungirehe cho biết ông "ngạc nhiên" trước những tuyên bố trên, đồng thời tiếp tục tố cáo ngược lại quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo đã bắn vào lãnh thổ Rwanda.

Báo cáo của Trợ lý Tổng Thư ký Mulet đã một lần nữa châm ngòi cho những tranh cãi xung quanh cáo buộc các lực lượng nước ngoài can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến kéo dài 18 tháng qua tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Các quan sát viên Liên hợp quốc và chính phủ cáo buộc Rwanda hỗ trợ phiến quân trong khi Kigali kiên quyết chối bác bỏ.

[Mỹ thúc Rwanda ngừng hỗ trợ phiến quân ở Congo]


Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Rwanda Paul Kagame để hối thúc các bên kiềm chế.

Người đứng đầu phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo Martin Kobler cũng đã tới Kigali để chuẩn bị tiến hành các cuộc đối thoại trong khi Đặc phái viên Liên hợp quốc tại khu vực Hồ lớn Mary Robinson đã có các buổi họp với bộ trưởng hai bên.

Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) hối thúc Cộng hòa Trung Phi có hành động khẩn cấp để bảo vệ người dân trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại quốc gia này. Theo phát ngôn viên Liên hợp quốc, bạo lực kéo dài trong nhiều ngày đã buộc hàng nghìn người dân tại thủ đô Bangui phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán.

Cộng hòa Trung Phi rơi vào vòng xoáy khủng hoảng bạo lực kể từ hồi tháng Ba khi lực lượng đối lập Seleka mở một cuộc tấn công vào quân chính phủ và giành quyền kiểm soát chính quyền. Bạo lực leo thang đã khiến ít nhất 206.000 người dân đất nước này phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn và khoảng 63.000 người chạy sang các nước láng giềng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục