Công nghệ nối kết thúc đẩy sự phát triển toàn cầu

Các công nghệ nối kết như Internet, điện thoại di động, fax… đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng tương lai toàn cầu bền vững.
Ngày 7/2, tại hội nghị thúc đẩy phát triển bền vững về y tế, nông nghiệp, môi trường... đang diễn ra tại Trường Đại học Stanford của Mỹ, Liên hợp quốc khẳng định các công nghệ nối kết như Internet, điện thoại di động, fax, tin nhắn qua điện thoại di động… sẽ đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng tương lai toàn cầu bền vững hơn.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội Sa Tổ Khang nhấn mạnh những lợi ích của công nghệ nối kết là sâu sắc và rộng lớn, giúp vượt qua mọi trở ngại và bất lợi, tăng cường bình đẳng xã hội, thúc đẩy năng suất lao động và thịnh vượng nhờ đặt các thông tin thiết yếu trên đầu ngón tay của con người.

Các công nghệ nối kết sẽ bổ sung và tăng cường nền giáo dục truyền thống với vai trò là công cụ hỗ trợ giảng dạy, tạo điều kiện tiếp cận các sách giáo khoa miễn phí, những ấn phẩm số hoặc điện tử.

Dân số thế giới sẽ đạt 9 tỷ người vào năm 2050, nhưng các nguồn tài nguyên của Trái Đất không thể tăng thêm. Các công nghệ nối kết có vai trò quyết định đảm bảo tương lai của tăng trưởng kinh tế, bình đẳng, phổ quát xã hội và môi trường bền vững cho nhân loại. Nhờ những công nghệ này, các cộng đồng xã hội có thể tiếp cận các nguồn thông tin, tri thức và những dịch vụ thiết yếu để phát triển bền vững.

Ông Sa Tổ Khang kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy nhanh các chương trình nghị sự phát triển bền vững thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ những công nghệ nối kết và công nghệ thông tin (ICT).

Hiện nay, trên toàn cầu đã có 6 tỷ thiết bị di động đang được sử dụng, 1,2 tỷ người sử dụng các địa chỉ trang web di động. Năm 2011 đã có tới 7.000 tỷ tin nhắn thông qua điện thoại di động trên toàn cầu và dự báo vào năm 2015 sẽ có tới 183 tỷ ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững sắp tới tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil (Rio+20) là cơ hội duy nhất trong một thế hệ có thể đặt thế giới vào con đường phát triển bền vững lâu dài, đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi thế hệ hiện nay mà không phải hy sinh những lợi ích và nhu cầu của các thế hệ tương lai.

Thế giới cần xây dựng ICT trở thành cơ sở hạ tầng cơ bản có vai trò sống còn như năng lượng và nguồn nước, khẩn cấp thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia và trong mỗi quốc gia về kỹ thuật số. Liên hợp quốc sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo toàn cầu đẩy nhanh tiến trình này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục