"Xây nông thôn mới cần đặt trong tầm nhìn dài hạn"

Theo Phó Thủ tướng, Chương trình xây nông thôn mới phải đặt trong dài hạn, quy hoạch tầm nhìn xa với các tiêu chí xây nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới phải đặt trong dài hạn và quy hoạch tầm nhìn xa với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ngày 25/12, phát biểu tại cuộc họp triển khai kế hoạch Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2012 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh phải xem xét cho phù hợp chứ không phải cứ thấy tiêu chí cao quá là lại đề nghị điều chỉnh, nếu như vậy thì chỉ 1 đến 2 năm đã làm xong chương trình. Điều quan trọng là nhận thức của cả hệ thống chính trị phải đồng bộ, triển khai quyết liệt nhưng không thể nóng vội được, vì đây là chương trình lâu dài, chứ không chỉ đầu tư hạ tầng nông thôn là xong được.

Đối với huy động nguồn lực cho chương trình, ngoài nguồn vốn từ nhà nước, doanh nghiệp thì việc huy động từ bên ngoài và người dân là rất quan trọng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý chỉ nên vận động người dân chứ không được mang tính bắt buộc.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 về Tam nông. Chương trình đề ra đầy đủ các nội dung là cơ sở vững chắc phát triển nông thôn bền vững, nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Qua hơn 1 năm thực hiện, nhất là tại 11 xã điểm đã có kết quả khá tích cực, tạo nền tảng bước đầu để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới hiệu quả hơn. Đặc biệt trên tất cả các lĩnh vực đã có bước chuyển biến căn bản, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và người dân. Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ Chương trình còn tồn tại một số khó khăn hạn chế; vẫn còn hơi nóng vội trong nhận thức và triển khai còn chậm, một vài chính sách chưa thực hiện hoặc chưa phù hợp sát với thực tế.

Ngoài ra, tại một số địa phương quy hoạch sản xuất chưa ổn định, từ đó chưa nâng cao được đời sống cho người dân nông thôn. Nguồn lực cho chương trình có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế… Trước mắt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý các địa phương phải làm sao ít nhất đến năm 2015 có 20% số xã đạt được theo chuẩn tiêu chí nông thôn mới.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh phê duyệt quy hoạch xong trong năm 2012; Ban hành đủ những chính sách còn thiếu, nghiên cứu sửa đổi bổ sung những chính sách chưa phù hợp; đồng thời làm rõ nhiệm vụ nào nhà nước làm, phần nào địa phương và người dân làm. Về sản xuất, làm sao đưa ra được mô hình phù hợp với từng vùng, địa phương; tạo điều kiện để phát triển bền vững thông qua các chính sách liên kết 4 nhà, đẩy mạnh thâm canh; Đào tạo nguồn nhân lực gắn kết với nhu cầu thực tiễn lao động sản xuất.

Trong năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra một số chỉ tiêu đối với xây dựng nông thôn mới; trong đó hoàn thành về cơ bản quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho các xã, phấn đấu đạt trên 90% số xã có quy hoạch chung được phê duyệt, trong đó khoảng 30% số xã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt, trên 90% số xã có đề án xây dựng nông thôn mới được phê duyệt.

Để đạt mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát cần tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp chính gồm tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp; tiếp tục triển khai mạnh các họat động tuyên truyền, thông tin; triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ở tất cả các cấp, ngành và địa phương; bổ sung, hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn thực hiện chương trình; và tổ chức tập huấn công tác quy hoạch nông thôn mới, triển khai công tác kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ nhưng đảm bảo chất lượng công tác quy hoạch.

Đối với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: đẩy mạnh công tác lập đề án xây dựng nông thôn mới cho các xã và chỉ đạo thực hiện đề án; chỉ đạo triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là các công trình trực tiếp gắn với phát triển sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân; các tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa để tăng nhanh thu nhập cho cư dân nông thôn.

Bên cạnh đó, tập trung cải tạo môi trường nông thôn, vận động từng hộ tự cải tạo, sửa sang nhà ở, có đủ các công trình vệ sinh thiết yếu đạt chuẩn; đồng thời cải tạo ao, vườn để có thêm thu nhập; chỉnh trang tường rào, cổng ngõ để có cảnh quan đẹp, phát triển hệ thống cấp nước sạch, cải tạo hệ thống tiêu thoát nước, xử lý rác thải, trồng cây xanh nơi công cộng.

Các tỉnh ưu tiên chỉ đạo địa bàn trọng điểm của từng địa phương, xác định nhu cầu nguồn lực, các giải pháp thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương tổng hợp và cân đối chung. Mặt khác triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin, báo cáo trực tuyến thống nhất từ Trung ương xuống địa phương./.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục