Ngày nhà giáo: Quà tặng mang nặng…tấm lòng

Bên cạnh quà đắt tiền do phụ huynh đến "gõ cửa" tặng thầy cô giáo, vẫn có nhiều món quà giản dị, thể hiện lòng tri ân của học trò...
Để bày tỏ tấm lòng tri ân đối với thày cô giáo, có nhiều cách và nhiều "con đường" khá khác nhau. Thế nhưng, các bạn trẻ cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng của mình hướng về các thày cô.
 
Đa dạng quà tặng

 
Trong các cuộc trò chuyện của nhiều phụ huynh và học sinh thời gian này thì việc tặng thầy cô món quà gì nhân ngày 20/11 luôn là chủ đề "nóng". Nhiều phụ huynh phân vân món quà tặng thầy cô vừa có ý nghĩa về giá trị vật chất, vừa có giá trị tinh thần.

Vì thế, trong các dịp như 20/11 thì các mặt hàng như hoa tươi, mỹ phẩm, thời trang... luôn là sự lựa chọn hàng đầu của phụ huynh, học sinh.

Nhân viên bán hàng tại cửa hàng hoa phố Hai Bà Trưng nhận định: “Thị trường hoa tươi những ngày này tăng giá từ 30 – 50%, đến ngày 20/11 lượng khách rất đông”.

Chị Hòa ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Mình gửi con nhờ thầy cô dạy dỗ nên 20/11 là dịp để các bậc phụ huynh cảm tạ thay cho con bằng những món quà. Hoa là thứ quà tặng thông dụng mà đơn giản".

Không những thế, với ý nghĩ để thầy cô thích mua gì thì mua nên có rất đông phụ huynh "tiện thể" bằng cách đưa phong bì.

Chị Thêu ở phố Quán Sứ, phụ huynh của hai con học lớp 5 và lớp 11, mấy ngày nay đã đôn đáo khắp nơi chỉ để “hỏi han” xem nên tặng gì cho cô giáo của con mình nhân 20/11. Người bảo tặng hoa, người khác lại bảo đi phong bì…

"Vẫn biết thầy cô không yêu cầu, nhưng thời kinh tế thị trường, tâm lý chung của phần lớn phụ huynh, mấy ngày lễ như 8/3, 20/10, 20/11 thì cứ quà cáp cho yên tâm.” - chị Thêu nói.

Chị Thêu đã dành trọn một ngày trước 20/11 để tới nhà các thầy cô chủ nhiệm và bộ môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ để tặng quà.

Thế nhưng, bên cạnh những cái "nhất cử, lưỡng tiện" như vậy thì cũng có không ít các phụ huynh và học sinh muốn tìm kiếm cho mình một món quà ý nghĩa, thực sự tinh tế và độc đáo để tặng thầy cô, thể hiện lòng tri ân của mình.

Bạn Hương - sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội chuyên bán búp bê giấy handmade (làm bằng tay) tại phố Hàng Gà, Hà Nội cho biết: “Thời gian này cũng khá nhiều người đến đặt hàng búp bê để dành tặng cho các thầy cô giáo. Khách hàng của mình chia sẻ là muốn có những món quà độc đáo”.
 
Trong khi đó, Nguyễn Đình Tú, sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Với lòng biết ơn, em chọn hoa để tặng thầy cô giáo nhân ngày 20/11, đối với em hoa tươi là món quà giản dị, gần gũi và chứa đựng cả tấm lòng của người học trò đối với thầy cô giáo”.

Tặng quà cũng là văn hóa

 

Theo tiến sỹ Trịnh Hòa Bình – Viện xã hội học Việt Nam thì Ngày nhà giáo Việt Nam vốn dĩ là truyền thống tôn sư trọng đạo, là văn hóa tốt đẹp để tri ân thầy cô. Nhưng trong đời sống kinh tế thị trường thì những bông hoa, món quà lại được thương mại hóa nên văn hóa tặng và nhận quà ngày một biến thái, biến tướng.
 
Ông Bình cho biết: "Tôi nghĩ chuyện thầy giáo nhận phong bì không phổ biến, nhưng cũng không hề ít”.
 
Tuy nhiên, có người cho rằng "phong bì" cũng không có gì sai khi mà đời sống nhà giáo còn khó khăn, một số phụ huynh khá giả có nhã ý tặng thầy cô một món quà nhân ngày lễ; cũng có một số người muốn nhân cơ hội này để thực hiện ý định xin xỏ, nhờ vả. Vì thế, mọi người tặng quà, phong bì thành một cái lệ, một thói quen.
 
Ông Bình cũng nhận định rằng vấn đề phong bì đi thầy cô giáo thực chất không nặng nề như xã hội vẫn nói, nhưng thẳng thắn thật sự thì các phụ huynh, học sinh, sinh viên cũng không tự nguyện muốn làm. Văn hóa phong bì gần giống như phong trào.
 
"Một số gia đình đã quá coi trọng vấn nạn phong bì trong các dịp lễ, tết và trở thành gánh nặng, nếu không có nó sẽ kém vui", ông Bình nói.
 
Cùng chung quan điểm, cô Trần Thị Thủy, giáo viên trường tiểu học Lê Quý Đôn, Nam Định cho rằng: “Trong ngày nhà giáo, chỉ cần học sinh tặng một bó hoa, chiếc bút là tôi thấy vui. Cái mà người ta nhớ đến mình chính là tình cảm còn đọng lại”.

Bác Nguyễn Văn Chiến, cựu học sinh trường Yên Hòa bộc bạch: “Trước đây vài chục năm, tôi còn nhớ cứ đến 20/11, chúng tôi vẽ tranh, làm thơ, đóng quyển làm báo tường tặng các thầy cô. Bố mẹ cũng không phải đến, nhưng giờ, có con, mình lại phải loay hoay tìm cách tặng quà cho thầy”.

Mạnh Hùng/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục