"Không thể quản lý giá bằng quyết định hành chính"

Theo VCCI, việc can thiệp, quản lý giá trên thị trường bằng các quyết định hành chính như giá trần, giá tối thiểu chỉ là giải pháp tạm thời.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) vừa tiến hành điều tra ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các quan chức chính quyền từ cấp Trung ương đến địa phương về vấn đề quản lý giá trong cơ chế thị trường.

Để tìm hiểu sâu hơn vấn đề này, Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế VCCI.

- Thưa ông, theo kết quả điều tra của VCCI về vấn đề quản lý giá trong cơ chế thị trường, có 63% trong tổng số 1.000 người được hỏi cho biết mong muốn Nhà nước kiểm soát giá. Vì sao đa phần ủng hộ việc Nhà nước quản lý giá, thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Trước những biến động gần đây của giá cả thị trường, cộng với những khó khăn của nền kinh tế khiến gánh nặng về thu nhập của người dân ngày càng tăng cao. Đó là lý do vì sao người dân mong muốn và trông đợi Nhà nước sẽ can thiệp nhiều hơn vào việc quản lý giá. Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các loại hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, điện nước… đều do các tập đoàn và tổng công ty nhà nước chi phối, có ảnh hưởng rất lớn. Nếu "buông" cho thị trường thì đó có thể là một sự mạo hiểm. Nhận thức của người dân, của doanh nghiệp về cơ chế thị trường cũng chưa thực sự rõ ràng. Chẳng hạn như khi giá tăng, câu hỏi đầu tiên được đặt ra luôn là Nhà nước ở đâu, chứ không phải thị trường ở đâu.

- Quan điểm của ông như thế nào về việc giao quyền tự quyết giá cả hàng hóa cho doanh nghiệp?


Ông Đậu Anh Tuấn:
Theo tôi, cũng giống như nhiều nền kinh tế khác, giá nên để cho thị trường quyết định và tất nhiên Nhà nước có thể can thiệp bằng những công cụ khác. Nếu một "người chơi" trên thị trường mà nắm trong tay đến 60 hoặc 70% thị phần như Petrolimex chẳng hạn, thì rõ ràng đó là điều rất bất ổn. Điện lực cũng vậy, có nên để một tập đoàn độc quyền tồn tại hay phải chia nhỏ ra là điều phải suy xét và cân nhắc. Nhà nước cần có các quy định, chế tài buộc mỗi doanh nghiệp nhà nước và kể cả các doanh nghiệp tư nhân phải minh bạch hóa trong quá trình kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân và xã hội.

Để thúc đẩy sự cạnh tranh và khơi dậy sức mạnh của thị trường, cần loại bỏ tâm lý ỷ lại vào vị thế thống lĩnh thị trường để quyết định giá ở các doanh nghiệp Nhà nước.

- Vậy theo ông, Nhà nước nên can thiệp như thế nào vào hệ thống giá trong nước cho phù hợp với cơ chế thị trường?

Ông Đậu Anh Tuấn:
Sử dụng quỹ bình ổn hợp lý cũng là một cách. Khi thị trường có vấn đề, Nhà nước có thể tham gia với tư cách của một người bán hàng, một nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ… Thậm chí, Nhà nước có thể tạo ra một "sân chơi" bình đẳng và yêu cầu những thành phần kinh tế tham gia thị trường phải thực thi nghiêm túc "luật chơi" để đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Hiện tại, việc can thiệp bằng các quyết định hành chính như giá trần, giá tối thiểu chỉ là giải pháp tạm thời hoặc trong những trường hợp khẩn cấp, chứ tôi nghĩ về lâu dài là không ổn.

- Xin cảm ơn ông!


Ngọc Quỳnh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục