Các nước hành động "khẩn cấp, táo bạo" để đạt MDG

Liên hợp quốc kêu gọi các nước đang phát triển hành động “khẩn cấp và táo bạo hơn nữa" để đạt các mục tiêu thiên niên kỷ vào 2015.
Tại diễn đàn đánh giá thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) khai mạc ngày 2/6 tại Tokyo, Nhật Bản, Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước đang phát triển hành động “khẩn cấp và táo bạo hơn nữa" để đạt các MDG vào năm 2015.

Trong thông điệp gửi Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh thời hạn 2015 đang đến gần đòi hỏi các nước cần nỗ lực vượt bậc, hành động táo bạo và khẩn cấp để phát triển cân bằng và bền vững; đặc biệt đầu tư các nguồn lực cần thiết để bảo vệ các thành quả đã đạt được nhằm thực hiện các cam kết đầu thiên niên kỷ.

Quản trị trưởng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), bà Helen Clark lưu ý rằng từ năm 2000, các MDG đã là tiếng kèn tập hợp chính phủ và nhân dân toàn cầu cùng nỗ lực phát triển và thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội đã cam kết.

Tiến trình thực hiện MDG đã đạt được những kết quả tích cực. Người dân các nước đang phát triển đã sống khỏe mạnh hơn, tuổi thọ cao hơn, giáo dục tốt hơn và không còn nghèo như trước đây. Một số chính sách phù hợp đã đẩy nhanh tiến trình thực hiện MDG ở nhiều nước.

Tuy nhiên, bà Helen Clark nhấn mạnh tiến bộ trong thực hiện các MDG vẫn chậm và không đồng đều. Để đạt được các MDG đúng hạn năm 2015, các nước cần nỗ lực xử lý các trì trệ và bế tắc về cơ cấu đang cản trở phát triển và đưa các thành quả phát triển đến với những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

Đường lối của UNDP về phát triển nguồn nhân lực và đường lối của Nhật Bản về an ninh con người có thể là những định hướng tốt để các nước nghèo có thể đạt các MDG đúng hạn.

Bà đề xuất hai định hướng để các tác nhân phát triển có thể phát huy hiệu quả và thống nhất các động lực thúc đẩy tiến trình thực hiện MDG.

Một là tăng cường tác động từ các trợ giúp phát triển trên toàn cầu nhằm thúc đẩy các động lực cải tổ và chuyển đổi, đồng thời phát huy cao nhất sự phối hợp hài hòa từ các lĩnh vực khác nhau để đẩy nhanh tiến trình phát triển.

Hai là tập trung thúc đẩy sự bình đẳng nhằm đưa những nỗ lực phát triển đến những người chưa được hưởng lợi ích của phát triển.

Tiến triển của MDG phải vươn đến những người dễ bị tổn thương về xã hội, đặc biệt là phụ nữ và cần trao quyền cho phụ nữ.

Các hệ thống bảo vệ xã hội có tầm quan trọng sống còn để duy trì phát triển bất chấp các cơn sốc kinh tế từ bên ngoài. Hệ thống này không phải là gánh nặng ngân sách mà là đầu tư không thể thoái thác cho việc duy trì các thành quả MDG và là đầu tư cho tương lai.

Hội nghị đánh giá thực hiện các MDG được Liên hợp quốc và chính phủ Nhật Bản đồng tổ chức tập hợp các bộ trưởng các nước đang phát triển, các tổ chức phát triển quốc tế và Liên hợp quốc, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, phi chính phủ… để thảo luận các sáng kiến thúc đẩy tiến trình thực hiện các MDG từ nay đến năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục