1.800 công trình thủy lợi cho đồng bào Tây Nguyên

Theo Cục thủy lợi, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng được trên 1.820 công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Cục thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng được trên 1.820 công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết an toàn lương thực tại chỗ, nâng cao đời sống, ổn định chính trị, xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Các công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên có năng lực tưới theo thiết kế trên 206.000ha cây trồng các loại (trên thực tế chỉ mới đảm bảo tưới cho 146.000ha cây trồng các loại).

Đắk Lắk là địa phương được Nhà nước đầu tư xây dựng mới 607 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó có 489 hồ chứa, 69 đập dâng... với năng lực tưới hơn 25.000ha lúa vụ Đông Xuân, 39.000ha lúa mùa và 45.000ha càphê.

Nhiều thôn, buôn, bon làng của đồng bào dân tộc thiểu số trước đây chưa biết gieo sạ cây lúa nước nhưng sau khi được Nhà nước khai hoang, xây dựng cánh đồng, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ cũng như làm tốt công tác khuyến nông nay đồng bào đã biết thâm canh cây lúa nước. Nhờ vậy, ở nhiều nơi, đồng bào không những tự cân đối được lương thực tại chỗ mà còn xuất bán cho các địa phương khác, mở rộng thâm canh cây càphê, hồ tiêu...

Tuy nhiên, hiện nay, đa số công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo nguồn nước phục vụ thâm canh các loại cây trồng cũng như cấp nước cho các khu dân sinh.

Nguyên nhân là các công trình đưa vào khai thác sử dụng đã quá lâu, từ 25-35 năm trở lên, chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, trong khi đó lại thiếu nguồn vốn để đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp...

Theo Cục thủy lợi, trong những năm tới, cùng với việc đầu tư phát triển các công trình thủy lợi lớn và vừa, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục ưu tiên đầu tư chiều sâu bằng các giải pháp cải tạo, mở rộng, nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ hiện có để phát huy tối đa năng lực thiết kế, xóa bỏ dần diện tích không chủ động sang tưới ăn chắc, phục vụ tốt yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng điều tra, đánh giá lại thực trạng các công trình thủy lợi trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp phát triển tài nguyên nước, quản lý, khai thác tài nguyên đất, nước phù hợp với bố trí cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển bền vững cho cả vùng Tây Nguyên./.

Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục