EC cảnh báo về mức độ của khủng hoảng nợ công

Chủ tịch EC cho rằng một số thành viên Khu vực đồng euro chưa nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ công.
Một số nước thành viên Khu vực đồng euro chưa nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực và hội nhập sâu hơn về kinh tế là giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đưa ra những nhận định trên ngày 13/6 trước Nghị viện châu Âu (EP), giữa lúc Tây Ban Nha vừa xin hỗ trợ tài chính từ bên ngoài, trong khi Italy đang chịu sức ép ngày càng tăng buộc phải đưa ra đề nghị tương tự.

Ông Barroso cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đang ở "thời kỳ khẩn cấp về mặt xã hội." Ngay cả khi các nước thành viên EU thực hiện các biện pháp cải cách đúng đắn thì những biện pháp này vẫn có thể chịu tác động tiêu cực từ những sự kiện nằm ngoài vòng kiểm soát của họ, như tình trạng nghèo khổ và bài trừ xã hội gia tăng.

Theo ông, khó khăn mà EU đang đối mặt mang tính hệ thống, đòi hỏi phải có một tầm nhìn và một đường hướng cụ thể. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước thành viên EU đã nhận thức đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Ông Barroso khẳng định hội nhập sâu hơn về kinh tế giữa các nước thành viên Khu vực đồng euro là "lối thoát" cho cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực, song kế hoạch hội nhập sẽ được bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến vào cuối tháng này, chỉ là sự khởi đầu, chứ không phải sự kết thúc đối với tiến trình này.

Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo khu vực cam kết biến Khu vực đồng euro thành một liên minh chặt chẽ hơn bao giờ hết, nhấn mạnh nếu thị trường mất lòng tin vào "tính chất không thể đảo ngược được" của liên minh kinh tế-tiền tệ này, tương lai của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ "rất hạn chế."

Theo ông Barroso, tạo động lực cho sự hội nhập toàn diện, từ ngân sách đến chính sách thuế, và phát hành trái phiếu chung là giải pháp "tối cần thiết" cho tương lai của Khu vực đồng euro. Ông cũng khẳng định EU cần thúc đẩy tăng trưởng trung hạn bằng cách không chấp nhận đề nghị của Anh và Đức về cắt giảm 100 tỷ euro trong ngân sách chung của khu vực từ nay đến cuối thập kỷ này.

Cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy thừa nhận Xứ sở "Bò tót" không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tìm kiếm một khoản vay lớn từ Khu vực đồng euro. Phát biểu trước Quốc hội nước này, ông Rajoy nói rõ tại thời điểm hiện nay, chính phủ không có 100 tỷ euro và cũng không thể phát hành trái phiếu.

Ông cho biết Tây Ban Nha không có một hệ thống tài chính tốt nhất như chính phủ tiền nhiệm đã khẳng định và đó là lý do buộc chính phủ đương nhiệm phải vay mượn từ EU để hỗ trợ các ngân hàng đang gặp khó khăn. Ông khẳng định các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ phải hoàn lại khoản vay mà các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro đã nhất trí dành cho Madrid ngày 9/6 vừa qua.

Trong bài diễn văn trước cuộc họp nội các cũng trong ngày 13/6, Thủ tướng Italy Mario Monti cho biết ông không lo lắng về vị thế của nước này trên vũ đài và thị trường quốc tế. Italy hiện có mức thâm hụt ngân sách nhà nước và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn nhiều nước EU khác, các ngân hàng ổn định của nước này "không bị phơi nhiễm" trước cuộc khủng hoảng ngân hàng đang đe dọa Tây Ban Nha.

Lãi suất trái phiếu chính phủ cao của Italy không bắt nguồn từ những vấn đề bên trong Italy và có thể giảm nếu các nhà lãnh đạo EU chấp nhận "gói các biện pháp tăng trưởng đáng tin cậy" tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Tuy nhiên, báo chí và giới phân tích Italy dự đoán Rome có thể "theo chân" Madrid xin hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Theo các nguồn tin này, việc các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro nhất trí cho Tây Ban Nha vay 100 tỷ euro chứng tỏ "tấm màng lọc" ngăn cách nước này và Italy với nhóm các nước đang mắc nợ trầm trọng trong EU đã được tháo dỡ.

Nợ công của Italiyhiện tương đương 120% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, trong khi GDP quý I/2012 giảm 0,8%, mức giảm lớn nhất trong 3 năm qua./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục