Lễ hội "Đồ ăn chậm" ở Hàn đề cao món ăn châu Á

Các nhà tổ chức lễ hội ẩm thực The 2013 Asio Gusto sắp tới tại Hàn Quốc cho biết lễ hội năm nay sẽ đề cao sự đa dạng của ẩm thực châu Á.
Theo PRNewswire-AsiaNet, các nhà tổ chức hôm 26/9 cho biết, lễ hội ẩm thực quốc tế, The 2013 Asio Gusto sắp tới tại Hàn Quốc nhằm tạo cơ hội duy nhất để thưởng thức nhiều món ăn khác nhau của khu vực châu Á và châu Đại Dương.

Lễ hội sẽ khai mạc vào thứ Ba tuần sau tại Namyangju (phía Đông thủ đô Seoul) và kéo dài 6 ngày với sự tham dự của 40 nước châu Á và châu Đại Dương,

The 2013 Asio Gusto được kỳ vọng sẽ trở thành lễ hội ẩm thực lớn nhất trong khu vực.

Về tên gọi của lễ hội, “Asio” là từ ghép của Asia và Oceania (châu Á và châu Đại Dương), còn “Gusto” theo tiếng Italy có nghĩa là “vị giác.”

Với chủ đề “Đồ ăn chậm, thay đổi thế giới bằng vị giác,” lễ hội do Trung tâm Văn hóa Đồ ăn chậm, chính quyền thành phố Namyangju và phong trào đồ ăn chậm quốc tế phối hợp tổ chức.

Tổ chức đồ ăn chậm đã tạo ra phiên bản châu Á của sự kiện này từ năm ngoái. Tổ chức này cũng đã tổ chức hai sự kiện lớn khác, được tổ chức 2 năm một lần – Salone del Gusto và Terra Madre ở Italy và Euro Gusto ở Pháp.

Trên website của mình, các nhà tổ chức cho biết: “Ở ngoài khu vực châu Á, rất nhiều người đã có cái nhìn rất hạn chế về văn hóa ẩm thực đa dạng của khu vực này. Lễ hội The 2013 Asio Gusto sẽ mang lại cho du khách một chuyến thám hiểm ẩm thực khắp châu Á.”

Lễ hội vào tuần tới dự kiến sẽ bao gồm nhiều sự kiện như các cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế, thi nấu ăn và các họat động trình diễn khác.

Một hội nghị khai mạc ngày 2/10 và kéo dài 3 ngày, gần 90 chuyên gia từ 20 nước sẽ thảo luận về những nghiên cứu và xu hướng mới nhất về đồ ăn chậm trên khắp thế giới.

Một thành viên Ban tổ chức cho biết: “Không chỉ góp phần làm nổi bật giá trị của văn hóa địa phương, sự kiện này còn chỉ ra đâu là nguyên tắc chỉ đạo của thức ăn chậm: khỏe, cân đối và hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh thái, thể hiện tầm quan trọng của việc giáo dục về ẩm thực. Những nguyên tắc này đang ngày càng được phổ biến ở cấp độ toàn cầu”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục