"Vẫn sớm để HĐBA thảo luận về phản ứng với Syria"

Nga đánh giá còn quá sớm để HĐBA tính biện pháp phản ứng với Syria trước khi các thanh sát viên LHQ tại Syria công bố kết quả điều tra.
Ngày 28/8, Nga đánh giá còn quá sớm để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tính đến biện pháp phản ứng đối với Syria trước khi các thanh sát viên của Liên hợp quốc tại Syria công bố kết quả điều tra.

Trả lời hãng thông tấn Interfax, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Titov nhấn mạnh: "Hiện chưa phải thời điểm để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận bất kỳ hình thức phản ứng nào trước khi nhóm thanh sát của Liên hợp quốc công bố báo cáo kết quả công việc của họ tại Syria."

Ông cho biết Nga ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Syria.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, các thanh sát viên Liên hợp quốc cần bốn ngày để hoàn tất cuộc điều tra về các cáo buộc vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria.

Trả lời báo giới tại La Hay (Hà Lan), ông Ban Ki-moon nêu rõ: "Thẩm quyền và trách nhiệm của tôi tại thời điểm này là tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và toàn diện," đồng thời cho biết kết quả thanh sát sẽ được phân tích và chuyển lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cùng ngày, đặc phái viên chung Liên hợp quốc-Liên đoàn Arập về Syria, Lakhdar Brahimi khẳng định bất kỳ sự can thiệp quân sự vào Syria phải được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua.

Phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy sỹ) trong bối cảnh nhóm thanh sát viên Liên hợp quốc đang điều tra vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng khí độc ở gần thủ đô Damascus ngày 21/8, ông Brahimi cho biết có bằng chứng cho thấy một số chất hóa học đã được sử dụng trong vụ việc làm hàng trăm người thiệt mạng này.

Tuy nhiên, ông Brahimi cũng nhấn mạnh luật pháp quốc tế quy định rằng bất kỳ hành động quân sự nào cũng phải được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên nhất trí mới được tiến hành.

Theo ông Brahimi, những diễn tiến gần đây cho thấy tình hình nguy hiểm tại Syria và điều quan trọng đối với người dân Syria và cộng đồng quốc tế là cần thực sự bày tỏ ý chí chính trị để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.

Trong diễn biến khác liên quan, nhật báo Al Ahram đưa tin Ai Cập phản đối mọi hành động can thiệp quân sự vào Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng một giải pháp chính trị là cách duy nhất ở đất nước đang bị bạo lực tàn phá.

Phát biểu tại Cairo hôm 27/8, Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy tuyên bố Ai Cập từ chối can thiệp quân sự ở Syria, đồng thời cho rằng một giải pháp chính trị là lối thoát duy nhất. Ông lưu ý việc quy kết trách nhiệm phải dựa trên thông tin chính xác để xác định đúng ai phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus.

Trong khi đó, ngày 28/8, một quan chức cấp cao giấu tên trong Chính quyền Hoa Kỳ cho biết nước này loại trừ khả năng có hành động quân sự đơn phương nhằm vào Syria và đang tham vấn các đồng minh về các cuộc tấn công "trừng phạt" có thể kéo dài hơn một ngày.

Phát biểu trước báo giới, quan chức trên tiết lộ: "Bất kỳ hành động quân sự nào sẽ không được tiến hành đơn phương mà sẽ bao gồm các đối tác quốc tế."

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã triệu tập phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng trong bối cảnh phương Tây chuẩn bị có hình thức đáp trả quân sự trước những cáo buộc vũ khí hóa học được sử dụng ở Syria.

Các bộ trưởng nội các bao gồm bộ trưởng các bộ quốc phòng, ngoại giao, nội vụ đã cùng Tổng thống Hollande tiến hành họp kín. Trước đó, Chính phủ Pháp cho biết Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp bất thường vào ngày 4/9 để thảo luận tình hình Syria./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục