Những điều cần biết về cuộc Đối thoại Shangri La 12

Đối thoại Shangri La 12 tại Singapore sẽ có sự hiện diện mạnh mẽ của châu Âu khi Anh và Pháp đều cử bộ trưởng quốc phòng tham dự.
Ngày 29/5, ông William Choong, nhà nghiên cứu về an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đơn vị đăng cai Hội nghị an ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri La, đã có bài viết về hội nghị lần thứ 12 sẽ diễn ra từ tối 31/5 đến ngày 5/6 tại Singapore.

Theo ông Choong, trong 12 tháng qua, những thách thức địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng, như chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, căng thẳng tiếp diễn tại Biển Đông và tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Chính những điều này đã khiến các quan chức quốc phòng cấp cao thế giới thu xếp thời gian để tham dự hội nghị Shangri La lần này.

Kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2002, các phái đoàn cấp cao đến dự hội nghị Shangri La ngày càng nhiều. Năm nay, số phái đoàn tham dự đã tăng từ 28 của năm ngoái lên 31. Tổng số đại biểu, khoảng 350 người, gần như không thay đổi so với năm ngoái, nhưng đã đông gấp đôi so với hội nghị năm 2002.

Sự tham dự như thế đang báo trước một tương lai tốt đẹp cho an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Như truyền thống, đại diện phía Mỹ sẽ là quan chức quốc phòng cấp cao nhất của nước này: Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel. Tháp tùng ông sẽ là 11 quan chức quốc phòng cấp cao khác, trong đó có Đô đốc Samuel Locklear, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương.

Từ năm 2007, Trung Quốc cũng bắt đầu cử phái đoàn cấp cao tới Singapore dự hội nghị. Phái đoàn này năm nay sẽ do Trung tướng Thích Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân, đứng đầu.

[Đối thoại Shangri La 12 - định hướng an ninh khu vực]

Một diễn biến đáng kể khác tại hội nghị Shangri La năm nay sẽ là sự hiện diện mạnh mẽ của châu Âu. Anh và Pháp đều cử bộ trưởng quốc phòng đến tham dự. Ngoài ra, còn có bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt và nhiều tướng lĩnh thuộc ủy ban quân đội EU và NATO.

Đại diện của châu Á cũng rất mạnh mẽ với bộ trưởng quốc phòng của 11 nước, trong đó có Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nội dung nghị sự chính của Shangri La sẽ bao gồm 5 phiên họp toàn thể với chủ đề: cách tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn ngừa xung đột; hiện đại hóa quân đội và minh bạch chiến lược; những xu hướng mới trong an ninh châu Á-Thái Bình Dương; và thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ tổ chức 6 phiên họp đặc biệt gồm tránh sự cố trên biển; tình hình tại Afghanistan và an ninh khu vực; phòng thủ tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương; công nghệ và học thuyết quân sự mới; ngoại quốc quốc phòng và ngăn ngừa xung đột; và vấn đề an ninh mạng tại châu Á./.

Việt Hải/Singapore (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục