Có nhiều việc làm cho lao động từ Libya về nước

Các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng trả mức lương từ 3 triệu đến 20 triệu đồng/tháng đối với người lao động vừa trở về từ Libya.
Sau khi lao động về nước do căng thẳng chính trị ở Libya, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã tiến hành tuyển dụng để có thể làm việc ngay trong thời gian tới. Đồng thời, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) sẽ xem xét thị trường xuất khẩu lao động ngoài nước, bàn các giải pháp thực hiện để thông tin cho các địa phương và người lao động trở về từ Libya một cách hiệu quả nhất. Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tính đến thời điểm này đã có 9 doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ số lao động từ Libya về nước. Các doanh nghiệp trong nước sẵn sàng trả mức lương từ 3- 20 triệu đồng/tháng, đối với lao động vừa trở về từ Libya. Trong đó, Tập đoàn Khang Thông sẵn sàng tiếp nhận 10.000 lao động đến làm việc tại Khu công nghiệp Thạnh Đức, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An. Mức lương cho lao động phổ thông làm trong lĩnh vực xây dựng là 3 triệu đồng/tháng; mức lương áp dụng cho người lao động làm việc trong lĩnh vực khác như xây lắp, cơ khí, điện, nước, kiến trúc dao động trong khoảng từ 8-20 triệu đồng/tháng. Mức lương dành cho lao động từ Libya về nước đang được hứa hẹn trả cao nhất, trên 20 triệu đồng cho kỹ sư xây dựng cao cấp là đề xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV xây dựng và Địa ốc Hòa Bình. Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Hà Nội và Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tâm thì sẵn sàng tuyển dụng lao động phổ thông về từ Libya, đủ sức khỏe tuổi từ 20 đến 35 với mức lương thỏa thuận. Ngoài ra, Cục yêu cầu các Công ty nêu rõ những tiêu chí tuyển dụng như số lượng, giới tính, độ tuổi, ngành nghề, mức lương, quyền lợi nghĩa vụ của người lao động trong thời gian làm việc. Đồng thời, bàn các giải pháp thực hiện để thông tin cho các địa phương và người lao động trở về từ Libya một cách hiệu quả nhất. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, cơ hội việc làm trong nước cho lao động trở về từ Libya là khá lớn bởi hiện tại có rất nhiều công ty, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động trở về từ Libya. Ngoài cơ hội việc làm trong nước, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, thị trường lao động truyền thống hiện cũng đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải cho biết: “Các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia… vẫn được duy trì và sẽ tiếp tục nhận nhiều lao động.” Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sắp tới thị trường xuất khẩu lao động sẽ tập trung hướng sang Malaysia. Năm 2011, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia cần đến 90.000 chỉ tiêu thay vì 45.000 chỉ tiêu đã công bố trước đó. Tuy nhiên, theo ông Hải, trong 90.000 chỉ tiêu có đến 10.000 chỉ tiêu cho ngành dệt may, số ít cho ngành xây dựng không đòi hỏi tay nghề quá cao. Số chỉ tiêu này lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng khi có đơn hàng. Ông Hải khẳng định: “Hiện, nhu cầu lao động của Malaysia rất lớn chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như công nghiệp điện tử, sản xuất chế tạo phụ tùng ôtô, công nghiệp nhựa, công nghiệp da giày, may mặc. Dự kiến, đến tháng 4/2011, sẽ có cuộc hội thảo giữa Việt Nam và Malaysia về xuất khẩu lao động.” “Khảo sát lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia trong các ngành như dệt may, giày da đều nhận được các thông tin tốt về thu nhập, điều kiện ăn ở, làm việc... Về mức lương, ngành may mặc thấp nhất cũng khoảng từ 3,5-4 triệu đồng/tháng, ngành cơ khí chế tạo lương tháng từ 5-6 triệu đồng/tháng," ông Hải cho biết thêm. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kế hoạch đưa 87.000 lao động ra nước ngoài làm việc trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng. Việc tìm thị trường mới đưa lao động đi làm việc là trách nhiệm của Bộ. Bộ sẽ nghiên cứu để tìm kiếm thị trường sao cho phù hợp và đảm bảo công việc cho lao động ổn định./.
Năm 2010, có 85.564 lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ, nhiều nhất là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và thị trường mới nổi ở khu vực Trung Đông.

Các quốc gia UAE, Arập Xêút, Qatar, Kuwait, Bahrain tiếp nhận 16.000 lao động, cao nhất là UAE với 10.000 người, Arập Xêút 5.000 người.
Mạnh Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục