Thụy Sĩ tính siết chặt vốn với Credit Suisse, UBS

Thụy Sĩ đang tiến tới siết chặt hơn nữa yêu cầu về vốn đối với hai ngân Credit Suisse và UBS, do lo ngại các ngân hàng này phá sản.
Thụy Sĩ đang tiến tới siết chặt hơn nữa những yêu cầu về vốn đối với hai ngân hàng lớn là Credit Suisse và UBS, giữa lúc có những lo ngại nếu các ngân hàng này phá sản có thể ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế.

Sau cuộc bỏ phiếu sơ bộ thông qua các biện pháp tăng vốn thêm 90 tỷ USD đối với mỗi ngân hàng, các thượng nghị sỹ tiến hành bỏ phiếu lần cuối vào ngày 16/6. Hạ viện sẽ chưa xem xét dự luật cho đến sau kỳ nghỉ Hè.

Năm ngoái, các chuyên gia đã đề xuất các biện pháp này sau khi chính phủ cứu trợ UBS bằng nhiều tỷ USD trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Các chuyên gia đã đề nghị chính phủ phê chuẩn các biện pháp khắt khe hơn các quy định trong Basel III, khi không thể để những ngân hàng có quy mô lớn và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Thụy Sĩ như Credit Suisse và UBS phá sản.

Các quy định mới sẽ yêu cầu hai ngân hàng tăng số cổ phiếu phổ thông chủ chốt chất lượng cao, loại cổ phiếu có thể chuyển đổi thành tiền mặt nhanh chóng, lên 10% giá trị tài sản, đồng thời nắm giữ số trái phiếu có thể chuyển đổi nếu cần với giá trị tương đương 9% giá trị tài sản. Những yêu cầu này khắt khe hơn nhiều so với những quy định quốc tế theo Basel III mà theo đó các ngân hàng phải nâng số cổ phiếu phổ thông chủ chốt chất lượng cao từ 2% lên 7% giá trị tài sản.

Cùng với các quy định ngặt nghèo hơn về vốn, Chính phủ Thụy Sĩ cũng muốn giám sát chính sách tiền thưởng của các ngân hàng lớn vốn đã được cứu bằng các quỹ liên bang. Theo dự luật đã được đề xuất, các ngân hàng đã xin cứu trợ có thể là đối tượng của những điều chỉnh về chính sách lương, trong đó có việc cấm hoàn toàn việc thưởng tiền trực tiếp cũng những các dạng thức khác.

Các quy định mới cũng yêu cầu hai ngân hàng nắm giữ lượng tiền mặt dự trữ cho 30 ngày, phòng khi các thị trường kẹt vốn như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng vừa qua, cũng như chứng tỏ họ có thể duy trì các dịch vụ chính trong trường hợp phá sản. Trong trường hợp phải nhận cứu trợ của chính phủ trong tương lai, hai ngân hàng này sẽ không thể chi tiền thưởng mà không có sự phê chuẩn của chính phủ.

UBS cho rằng những yêu cầu mới sẽ đặt ngân hàng này vào thế bất lợi về cạnh tranh, trong khi Credit Suisse ủng hộ những quy định này. Tháng Hai vừa qua, Credit Suisse đã huy động 6 tỷ USD thông qua việc phát hành trái phiếu có thể chuyển đổi cho Qatar Holding và Olayan Group như một bước đi sớm trong việc thực hiện các quy định mới về vốn. Người phát ngôn của Credit Suisse cho rằng những quy định mới là khắt khe, song là điều các ngân hàng có thể thực hiện.

Theo nhận định của Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SoB) năm ngoái, các quy định mới sẽ được áp dụng từ năm 2019. Thống đốc SoB, Thomas Jordan, cho rằng những quy định này là hợp lý và không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các ngân hàng.

Tại Anh, Bộ trưởng Tài chính George Osborne được nhận định sẽ ủng hộ kêu gọi các ngân hàng nước này tách hoạt động bán lẻ với các chi nhánh đầu tư để tránh một cuộc khủng hoảng tài chính khác./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục