Khắc phục các "lỗ hổng" trong công tác tiêm chủng

Trước tình hình "nóng" liên quan đến tiêm chủng hiện nay, Bộ Y tế thừa nhận hiện còn có "lỗ hổng" trong quy trình tiêm và cam kết sẽ huy động toàn bộ hệ thống vào quá trình thanh tra.
Những ngày gần đây, các thông tin xung quanh vấn đề tiêm chủng đang trở thành vấn đề “nóng,” thu hút sự quan tâm của nhiều gia đình và cả cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nhiều câu hỏi, hoài nghi về tai biến sau tiêm chủng, những sai sót trong quy trình tiêm hay việc tiêm dịch vụ, ký cam kết trước khi tiêm chủng... Để giải đáp những thắc mắc trên của người dân, sáng 2/8, Cổng thông tin Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Tiêm chủng mở rộng: Những vấn đề cần giải đáp” để người dân hiểu rõ và có cái nhìn khách quan hơn về tiêm chủng mở rộng với sự tham gia của các chuyên gia về y tế trong và ngoài nước. [Bản chất vắcxin viêm gan B an toàn như thế nào?] - Trong một số năm gần đây, đã xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng vắcxin, xin ông cho biết tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng ở Việt Nam có vượt quá thống kê của quốc tế hay không? Bác sỹ Kohei Toda, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam: Theo quan điểm của WHO, với phản ứng nặng sau tiêm chủng với mũi tiêm viêm gan B, thông thường là khoảng dưới 1 ca trong 1,1 triệu liều được sử dụng cho tiêm vắcxin viêm gan B. Ở Việt Nam trong chương trình tiêm chủng có hệ thống, điều tra phản ứng sau tiêm rất tốt, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm do vắcxin viêm gan B nói riêng và các vắcxin khác nói chung vẫn nhỏ hơn tỷ lệ của chúng tôi được đưa ra. Tuy nhiên, tỷ lệ tai biến sau tiêm vắcxin viêm gan B vẫn bao gồm tỷ lệ của cả người lớn nữa. Do vậy, với những báo cáo gần đây của chương trình tiêm chủng Việt Nam, chúng tôi nhận định rằng, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắcxin viêm gan B và các vắcxin khác nói chung vẫn dưới mức phản ứng của vắcxin có thể mang lại. Giáo sư Trịnh Quân Huấn - Chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế: Điều thứ nhất chúng tôi muốn khuyến nghị, chương trình tiêm chủng đã triển khai hơn 30 năm, cứu hàng triệu trẻ, có 60-70 triệu lượt trẻ được tiêm hàng trăm triệu mũi vắc xin khác nhau. Mỗi năm, chúng ta cũng phải tiêm đến 50 triệu lượt các mũi tiêm cho các cháu. Tỷ lệ tai biến mặc dù có, việc xem xét lại quy trình tiêm chủng,, xem xét lại vắcxin đã đành, nhưng tôi khuyên chúng ta vẫn tiếp tục nên đi tiêm, vì quyền lợi, trách nhiệm cũng như tương lai của thế hệ trẻ. Nguyên nhân nữa là hiện nay, tình hình diễn biến dịch tại Việt Nam cũng như một số nước tại khu vực nhiệt đới, bệnh dịch tương đối nhiều, tất cả các dịch có vắcxin tiêm phòng hiện nay giảm rất nhanh.

                        Giáo sư Trịnh Quân Huấn - Chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)- Có thể nói, những tai biến trên xảy ra một phần là do trong công tác tiêm chủng vẫn còn những “lỗ hổng”, dẫn tới sai sót, dù việc thanh tra được tiến hành thường xuyên, vậy ông có thể cho biết đã phát hiện vụ nào nghiêm trọng chưa? Giáo sư Nguyễn Trần Hiển - Trưởng Ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương: Gần đây, trong thanh tra của Bộ Y tế kết hợp với các đơn vị, vụ, cục chức năng kiểm tra tại một số tỉnh, thấy quản lý tiêm chủng chưa tốt. Đặc biệt, là đoàn công tác của chúng tôi đi kiểm tra sự cố sau tiêm ở Quảng Trị, phát hiện sai sót trong quản lý vắcxin, bảo quản vắcxin, quản lý tiêm chủng, triển khai tiêm chủng, thực hành tiêm chủng ở đó có vấn đề, không đúng quy định Bộ Y tế ban hành. Vấn đề này đã được nêu rõ trong thông báo của Bộ Y tế về các nguyên nhân ban đầu, điều tra ban đầu về sự cố trường hợp 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị. Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa đã bảo quản vắcxin không đúng quy định, không có 1 tủ lạnh riêng biệt mà để lẫn các sinh phẩm khác. Vắcxin khi lấy ra, tiêm, quản lý nhân viên không ghi sổ sách hàng ngày, sau tiêm không lưu giữ vỏ. Đặc biệt, một sai sót nữa là khi đi tiêm, lẽ ra trẻ được tiêm tại phòng tiêm được theo dõi tại chỗ 30 phút và có những phương tiện hồi sức cấp cức kịp thời nhưng nhân viên y tế trên lại tiêm tại phòng bệnh. - Từ tháng 7/2012 đến nay, có hơn chục trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng - đây là một con số hết sức báo động. Xin ông cho biết, tới đây công tác thanh kiểm tra toàn diện các điểm tiêm ngừa trên toàn quốc sẽ được thực hiện như thế nào? Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Công tác thanh kiểm tra quy trình tiêm chủng là quy định thường xuyên, được quy định trong Quyết định 23-việc thanh kiểm tra công tác tiêm chủng được tiến hành thường xuyên ở các tuyến. Trước tình hình phản ứng sau tiêm xảy ra năm 2012, gần đây là năm 2013, qua công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế, đoàn công tác làm việc với một số nơi xảy ra phản ứng sau tiêm, có phát hiện một số lỗi. Bộ Y tế thấy cần tăng cường hơn nữa công tác thanh, kiểm tra công tác tiêm chủng ở các tuyến. Lần này, Bộ Y tế đề nghị thanh kiểm tra toàn diện các quy trình liên quan tới tiêm chủng an toàn; thanh kiểm tra về nhân sự, có đủ điều kiện không, có được cấp chứng chỉ không; thanh kiểm tra về cơ sở vật chất có đủ điều kiện các buồng tiêm, bàn tiêm, trang thiết bị, hệ thống sổ sách, bảo quản vắcxin, vấn đề tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và cấp phát vắcxin ở các tuyến... Bộ Y tế sẽ huy động toàn bộ hệ thống tham gia vào quá trình thanh tra và sẽ đưa ra các hướng dẫn chỉ đạo triển khai trên cả nước. Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tăng cường công tác thanh kiểm tra trong các cơ sở bệnh viện hiện nay, tăng cường năng lực cán bộ y tế trong phát hiện điều tra, điều trị sớm các ca phản ứng sau tiêm và xác định nguyên nhân. Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược tăng cường việc xét soát hồ sơ, cấp phép đăng ký, tiến hành kiểm tra kết hợp với thanh tra Bộ Y tế và quản lý việc xuất nhập khẩu, tạm dừng thậm chí đình chỉ vắcxin nếu cần thiết. Ngoài ra, thanh tra Bộ Y tế kết hợp với các cục, vụ tham gia quá trình này. Ở tuyến khu vực và tỉnh, các Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn cán bộ, giám sát kiểm tra triển khai quy trình tiêm chủng an toàn. Gần đây, Bộ Y tế đã gửi công văn cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tăng cường chỉ đạo triển khai công tác an toàn tiêm chủng trong đó có thanh kiểm tra.

         Chương trình tiêm chủng mở rộng là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất cho những trẻ em vùng khó khăn.
(Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

- Liên tiếp trong thời gian gần đây đã có một số những tai biến và sai sót trong tiêm chủng mở rộng, nhiều người lo ngại rằng tiêm chủng mở rộng của Nhà nước sẽ nhiều nguy cơ hơn là tiêm dịch vụ. Điều này có thực sự đúng?Giáo Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm Vắcxin và Sinh phẩm y tế: Tôi cho rằng câu hỏi khán giả nêu lên là rất thực tế. Bởi vì, trên thực tế, một số bà mẹ đã đưa các cháu đến tiêm dịch vụ. Chúng ta không có lý do gì để trách các bà mẹ, bởi đó là sự lựa chọn tự nguyện của họ. Thế nhưng, với ý kiến cho rằng việc tiêm vắcxin dịch vụ thì ít tai biến hơn vắcxin tiêm chủng mở rộng, thì tôi thấy chưa đúng mức, chưa có cơ sở. Để so sánh 2 vắcxin, so sánh 2 mảng tiêm chủng dịch vụ và mở rộng thì phải có nghiên cứu điều tra. Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào, kết luận vắcxin nào ít biến chứng hơn vắcxin kia. Do vậy, tôi nghĩ rằng các bà mẹ hãy yên tâm là phải đưa các cháu đến, phải lựa chọn cho các cháu tiêm được vắcxin ở những nơi nào phù hợp với mình. Tôi nghĩ rằng, dù là vắcxin tiêm dịch vụ thì vẫn nằm trong sự kiểm soát của Bộ Y tế và các cơ sở tiêm dịch vụ vẫn là các cơ sở y tế và vẫn thực hiện quy trình nghiêm ngặt về tiêm chủng như đối với vắcxin tiêm chủng mở rộng, chứ không có sự khác biệt nào hết. Tiêm dịch vụ thì phải trả tiền, còn tiêm chủng mở rộng thì không phải trả tiền, còn chất lượng vắcxin, theo tôi, là không khác biệt. - Có người dân thắc mắc ví dụ bé A đang tiêm theo trình tiêm chủng mở rộng, nhưng mũi thứ 2 tiêm dịch vụ có ảnh hưởng gì không? Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Tôi cho rằng các loại vắcxin đều an toàn và hiệu lực như nhau. Công hiệu và tác dụng của các loại vắc xin gần như nhau. Tuy nhiên khi tiêm chủng phải xem xét khả năng, thời gian, thời điểm khoảng cách tiêm cho phù hợp, đúng lịch, còn lại thì không có gì ảnh hưởng. - Trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh một số bệnh viện, cơ sở y tế bắt người nhà trẻ nhỏ đi tiêm vắcxin phải ký vào giấy tự chịu trách nhiệm nếu có sự cố. Phải chăng những bệnh viện đó có ý trốn trách nhiệm hoặc muốn đổ bớt trách nhiệm về phía người bệnh khi mà họ không dám bảo đảm chất lượng vắcxin mà họ dùng, cũng như kỹ thuật và xử lí khi gặp rủi ro. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này? Giáo sư Nguyễn Trần Hiển: Việc thực hiện như vậy là không đúng quy định của Bộ Y tế. Trong Thông tư 23 nêu rõ công tác tiêm chủng an toàn và chất lượng phụ thuộc vào quy trình tiêm chủng, mà ở đây là vai trò của cán bộ y tế ở điểm tiêm chủng đó từ tổ chức buổi tiêm, bảo quản, vận chuyển vắcxin, thao tác sau khi tiêm, lưu trữ hồ sơ… Đó là trách nhiệm của điểm tiêm chủng và cán bộ y tế ở đó. Tuy nhiên, trong phiếu tiêm chủng các bà mẹ cần lưu ý để tăng cường hợp tác với cán bộ y tế như khi cho trẻ đi tiêm, mang phiếu tiêm chủng, đọc kỹ áp phích về quy trình tiêm chủng và đối chiếu thực hành tiêm chủng có phù hợp với quy định không, nếu không phù hợp thì có quyền không cho con tiêm và nhắc cán bộ y tế thực hiện đúng quy trình. Các bà mẹ cũng phải thông báo cho cán bộ y tế về tiền sử, tình hình sức khỏe của trẻ trước khi khi tiêm, phản ứng sau tiêm của mũi vắcxin trước… để bác sỹ cho chỉ định phù hợp. Đồng thời bà mẹ có quyền hỏi cán bộ y tế rằng con tôi được tiêm vắcxin gì hôm nay, phải theo dõi trẻ thế nào, theo dõi trẻ đúng 30 phút tại điểm tiêm và sau đó là theo dõi trẻ 1-2 ngày sau tiêm tại nhà.
Giáo sư Trịnh Quân Huấn:
Tôi xin nói thêm là tại điểm tiêm chủng, cán bộ y tế phải ký cam kết thực hiện đúng quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế, cái này cần phải thực hiện nghiêm túc. Còn những điểm tiêm chủng bắt người dân ký cam kết thì sẽ phải dừng vì thực hiện không đúng Thông tư 23 của Bộ Y tế./.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục