VFA sẽ tiếp tục mua tạm trữ 500.000 tấn gạo

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) tiếp tục triển khai mua thêm 500.000 tấn gạo sau khi kết thúc chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn.
Ngày 22/3, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) chính thức thông báo sẽ tiếp tục triển khai mua thêm 500.000 tấn gạo sau khi kết thúc chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn.

Giá thu mua của đợt mua tạm trữ này sẽ theo mức giá thị trường nhưng vẫn phải tuân thủ quy định không được thấp hơn mức giá thành lúa vụ Đông Xuân, đảm bảo cho người trồng có lãi từ 30% trở lên.

Hiện vụ Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được trên 70% diện tích, một số tỉnh như Kiên Giang, Đồng Tháp đã xong hơn 90%.

Giá lúa cũng đã nhích dần lên, tại kho của các doanh nghiệp giá lúa khô từ 4.200-4.500 đồng/kg. Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp thành viên của VFA đã mua tạm trữ được 790.000 tấn lúa (650.000 tấn gạo quy đổi) đạt 79% chỉ tiêu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn các doanh nghiệp vay tại các ngân hàng với mức lãi suất quá cao (trung bình từ 14-20%).

Trong khi đó, lượng gạo từ vụ trước chuyển sang và tình hình xuất khẩu trầm lắng khiến kho chứa của các doanh nghiệp sắp đầy nên việc triển khai tiếp tục mua vào tạm trữ sẽ rất khó khăn.

VFA đang chỉ đạo các hội viên tiếp tục triển khai công tác tổ chức lực lượng nhà máy xay xát và hàng xáo vào thành chuỗi hệ thống thu mua lúa, gạo hàng hóa cho nông dân với cách tính giá mua cho từng công đoạn hợp lý đảm bảo lợi ích của nông dân ngày càng tăng cao, lợi ích các thành phần tham gia trong chuỗi hệ thống này ngày càng hài hòa hơn.

Đồng thời VFA cũng tiếp tục chỉ đạo các hội viên nhanh chóng triển khai thí điểm việc trang bị máy tính nối mạng Internet nhằm phục vụ cho nhu cầu phổ biến thông tin về thị trường, giá cả, nhu cầu về số lượng và chất lượng lúa gạo, các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất của nông dân.

Về xuất khẩu, dù tình hình thị trường gạo thế giới trầm lắng nhưng theo nhận định của VFA, do một số nước tại Nam Mỹ, Indonesia, Bangladesh... mất mùa, cùng với việc Ấn Độ vẫn chưa thể tham gia xuất khẩu gạo trở lại nên nhu cầu gạo của thế giới thời gian tới chắc chắn vẫn sẽ có.

Đồng thời việc nhiều nền kinh tế tại châu Âu phục hồi khiến đồng euro đang mạnh dần lên đã kích các tập đoàn đa quốc gia quay trở lại thị trường, nhất là cho nhu cầu gạo từ các nước châu Phi là rất khả thi.

Tuy nhiên, vấn đề nguy hại hiện nay, theo khuyến cáo của VFA, là áp lực bán ra sẽ khiến các doanh nghiệp tìm cách bán phá giá trong các hợp đồng thương mại. Để tránh tình trạng này, theo quy định mới của VFA, từ nay tất cả các hợp đồng thương mại đăng ký qua hiệp hội sẽ được phân chia ủy thác cho các hội viên khác với số lượng là 30%./.

Liên Phương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục