Doanh nghiệp kêu khó hơn thời kỳ khủng hoảng

Các doanh nghiệp cho biết họ đang phải đối mặt với nhiều thử thách cam go hơn cả thời khủng hoảng kinh tế trong năm 2008.
Trong một báo cáo khảo sát mới đây về chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý I/2011 do Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính WVB Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư và Tư vấn Tài chính Dầu khí tiến hành cho thấy, niềm tin kinh doanh trong sáu tháng qua đã liên tiếp giảm mạnh, có gần 45% doanh nghiệp khẳng định không có ý định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2011.

Với tình hình hiện nay, ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, mặc dù chưa có con số dự báo cụ thể, nhưng sự phản ánh mạnh mẽ và liên tục của các doanh nghiệp về những thực trạng khó khăn mà họ đang phải đối mặt cho thấy tình hình kinh doanh năm 2011 gặp nhiều thử thách cam go hơn những gì đã xảy ra tại năm 2008.

Quay lại thực trạng doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2008, cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trên cả nước có khoảng 20% doanh nghiệp khó có thể tiếp tục hoạt động, ngoài số này ra còn tới 60% thành viên hiệp hội sản xuất, kinh doanh bị sút kém, đình trệ do chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Yếu tố lạm phát đã khiến các công ty không kiểm soát được chi phí, mất thị trường và không đủ vốn để duy trì sản xuất.

“Tuy nhiên, ngay sau đó, những tháng đầu năm 2009 những khoản hỗ trợ chính sách, tài chính của Chính phủ đã vực lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của cả nền kinh tế. Nhưng  nay thì khác, trong khi thanh khoản về vốn bị co hẹp, doanh nghiệp lại bị cộng thêm khó khăn từ các chi phí đầu vào dồn dập tăng. Tất cả hệ thống doanh nghiệp lớn, nhỏ đều chịu tác động hết,” ông Kiêm nói.

Cụ thể, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ, vấn đề hiện nay khó khăn lớn nhất là vốn và tiếp cận vốn. Doanh nghiệp phải vay với lãi suất trên dưới 20%, thậm chí đến 24% là quá cao, doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại chứ không thể làm ăn có lãi với mức lãi suất này. Trong tháng 4/2011, nguyên liệu hầu hết các ngành đều tăng đột biến, điều này sẽ kéo theo một chuỗi những ảnh hưởng sang quý II, III của năm.

“Đối với ngành mỹ nghệ thì tính cạnh tranh của sản phẩm gỗ và các mặt hàng khác đang bị đe dọa. Nhiều đối thủ cạnh tranh đưa ra những mức giá mà ta không thể làm được, trong khi khách hàng ở Malaysia, Thái Lan lại chấp nhận đơn hàng đó do giá thấp hơn dẫn đến tình trạng dịch chuyển đơn hàng sang nước ngoài,” ông Mạnh nói.

Một thực trạng khác cũng đang diễn ra đối với ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam là dệt may. Ngành này đang gặp phải vấn đề giá nguyên phụ liệu tăng cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ có thế, nhiều doanh nghiệp  lên tiếng than, phụ phí tại các cảng cũng tăng, tất cả gánh nặng đè lên người sản xuất khiến ngành này rơi vào tình trạng lấy công làm lãi.

Bên cạnh đó, giá điện và tình trạng cắt điện luân phiên cũng trở thành nỗi lo thường trực của các nhà sản xuất. Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành phải chạy máy nổ trong khoảng 30% thời gian sản xuất.

“Năm nay, khó khăn đi vào bản chất và mang tính nghiêm trọng. Theo cảm nhận cá nhân tôi, sức khỏe nền kinh tế đang rất yếu và đồng thời các nguyên nhân làm chi phí tăng lên khó kiểm soát hơn,” Đặng Minh Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà đưa ra nhận định./.

Hạnh Quảng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục