Sông Lam Nghệ An vẫn khốn đốn vì tiền

Ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành Sông Lam Nghệ An, đã khẳng định “két sắt Sông Lam chỉ còn chục triệu”.
Tiền với Sông Lam Nghệ An có lẽ lúc nào cũng là vấn đề “nóng” làm từ lãnh đạo câu lạc bộ đến những quan chức của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đau đầu hơn cả việc định ngày công bố công ty cổ phần bóng đá Sông Lam Nghệ An ra mắt. Bởi vì chỉ khi có tiền thì “đứa con tinh thần” Sông Lam Nghệ An mới có thể tính đến chuyện phát triển.

Ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành Sông Lam Nghệ An, đã khẳng định về tình hình tài chính của câu lạc bộ trước khi V-League bước vào vòng đấu 25, là “két sắt Sông Lam chỉ còn chục triệu”.

Chỉ còn một vòng đấu nữa là kết thúc mùa giải mà tình hình tài chính của Sông Lam Nghệ An lại bi đát nhất cũng đủ thấy mức khó khăn của câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An  đến mức nào. Và cho tới thời điểm này, có lẽ chục triệu đồng đó cũng không còn.

Mùa giải V-League 2010 đang được các câu lạc bộ chuẩn bị rầm rộ nhưng với Sông Lam Nghệ An thì còn biết bao ngổn ngang. Và đã đặt ra bao nhiêu kế hoạch từ việc chi tiêu của các lớp đào tạo trẻ đến những phép tính dài hơi của đội 1. Đó là việc một số trụ cột đội bóng hết hạn hợp đồng.

Trong thời buổi giữ chân cầu thủ sắp hết hạn phải bẳng những khoản tiền tỷ thì đây đúng là bài toán khó đối với lãnh đạo câu lạc bộ. Vì vậy đề án thành lập công ty cổ phần Bóng đá Sông Lam Nghệ An là bước đi hợp lý, chính xác, tách đội bóng ra khỏi cơ chế quản lý ngành về mặt Nhà nước (tách đội bóng Sông Lam Nghệ An ra khỏi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhảy vào chung tay góp sức cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh vực lại hình ảnh của đội bóng.

Gần một tháng ròng dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban là ông Cao Đăng Vĩnh (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ban Hoạch định Định giá tài sản của câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An đã hòm hòm công việc, gần có báo cáo kết quả chính thức, nhưng xem ra khối tài sản ấy cũng chỉ là một trong những khoản cổ phần của công ty.

Phương hướng cổ phần hóa cũng chỉ là đường đi nước bước cho sự ổn định lâu dài về mặt tài chính cho bước phát triển sau này. Điều mà câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An cần lúc này là tiền, và rất nhiều tiền. Có tiền để thể “thay máu” ngoại binh (Sông Lam Nghệ An đã thanh lý hợp đồng với tất cả ngoại binh mùa bóng V-League 2009 và đã thử việc một số cầu thủ ngoại mới), đồng thời củng cố lại lực lượng nội binh chủ lực mà trụ cột là Huy Hoàng, Văn Quyến, Xuân Thắng...

Công ty Cổ phần bóng đá Sông Lam Nghệ An được thành lập do Ngân hàng thương mại Cổ phần Bắc Á cầm chịch làm cổ đông chính. Nhưng như vậy không có nghĩa là khi ấy Sông Lam Nghệ An đã có đủ tiền để được xếp vào hạng trung bình khá tại V-League chứ chưa dám nói là thuộc dạng “đại gia”. Do mỗi năm một câu lạc bộ cần khoảng 20 đến 25 tỷ (mức trung bình)  cho các kế hoạch chi tiêu nên đây lại là một vấn đề không nhỏ nếu tính tới khả năng của Ngân hàng Bắc Á.

Khi nhận tài trợ cho Sông Lam Nghệ An, những người lãnh đạo của ngân hàng này đề ra tài trợ theo “nhu cầu” của câu lạc bộ nên trong những việc cấp bách tiền cứ ứng trước rồi sau mới được giải ngân. Vì thế khi công ty cổ phần Bóng đá ra đời chưa chắc Sông Lam Nghệ An đã sung túc.

Trong khi đó, những nguồn thu của câu lạc bộ từ việc bán vé, quảng cáo biển trên sân … lại phải chia năm sẻ bảy vì sân Vinh vẫn thuộc quyền quản lý của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An chứ không được giao cho câu lạc bộ. Biết điều đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã gửi công văn kêu gọi một số doanh nghiệp trên địa bàn góp vốn vào công ty để công việc chuyển đổi diễn ra đúng kế hoạch./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục