Kyrgyzstan: Bắt đầu dỡ bỏ chướng ngại vật ở Osh

Các lực lượng an ninh Kyrgyzstan đã dỡ bỏ các chướng ngại vật trong thành phố Osh, cho phép các trục lộ giao thông chính thông xe.
Các lực lượng an ninh Kyrgyzstan ngày 20/6 bắt đầu dỡ bỏ chướng ngại vật tại thành phố Osh sau khi chính phủ lâm thời nước này quyết định kéo dài lệnh về tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực miền Nam, điểm nóng xảy ra các vụ xung đột sắc tộc đẫm máu làm khoảng 2.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.

Theo các nhà chức trách, tất cả chướng ngại vật tại trung tâm thành phố đã được dỡ bỏ, cho phép các trục lộ giao thông chính thông xe. Tuy nhiên, tại một số nút giao thông, cửa ngõ vào thành phố, chướng ngại vật vẫn được duy trì nhằm ngăn chặn nguy cơ bạo động từ các khu vực lân cận lan vào Osh, nơi diễn ra các vụ xung đột sắc tộc đẫm máu nhất trong những ngày qua.

Một người dân sống tại thành phố Osh bày tỏ: "Chúng tôi vẫn rất lo sợ. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không dựng lại các chướng ngại vật nếu tình hình trở nên yên ổn. Hiện cuộc sống đã trở lại bình thường ở một số nơi."

Liên quan đến tình trạng bạo lực, ngày 20/6, cảnh sát Kyrgyzstan đã bắt giữ 20 người tình nghi kích động các vụ xung đột sắc tộc.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Nội vụ nước này, ông Bakit Seitov cho biết ngoài việc bắt giữ những kẻ tình nghi trên, các nhà điều tra cũng đã tiến hành 90 cuộc thẩm vấn với những đối tượng được cho liên quan đến các vụ chém giết, đốt phá nhà cửa và bắt cóc.

Theo ông Seitov, tình hình an ninh tại Kyrgyzstan, đặc biệt tại thủ đô Bishkek khá im ắng, song người ta vẫn đồn đại rằng các vụ xung đột vẫn đang âm ỉ và có nguy cơ bùng phát thành các vụ bạo lực lớn.

Trong khi đó, thảo luận về tình hình an ninh tại đất nước Trung Á này, Mỹ và Nga vẫn bày tỏ lo ngại trước tình trạng bạo lực sắc tộc có nguy cơ bùng phát trở lại.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Philip Crowley, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bàn về kế hoạch phối hợp hỗ trợ và viện trợ nhân đạo nhằm giúp chính quyền nước này khôi phục an ninh, ổn định và hòa giải dân tộc.

Bà Hillary và ông Lavrov đều nhất trí rằng vấn đề tổ chức cuộc trưng cầu ý dân là quyết định mang tính chủ quyền của Kyrgyzstan và hai bên đồng ý sẽ giúp đỡ chính quyền nước này để tổ chức thành công sự kiện này theo đúng luật pháp quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục