"Nhu cầu cải tổ Liên hợp quốc đang rất cấp thiết"

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65, Joseph Deiss, nhấn mạnh bức tranh quản trị toàn cầu hiện đã trở nên phức tạp hơn.
Ngày 10/8, Diễn đàn với chủ đề “Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu” vừa kết thúc tại Chile, đã khẳng định nhu cầu cấp thiết phải cải tổ Liên hợp quốc để tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này thích ứng với một thế giới mới.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65, Joseph Deiss, nhấn mạnh bức tranh quản trị toàn cầu hiện đã trở nên phức tạp hơn.

Các thể chế đa phương truyền thống như Liên hợp quốc và các thể chế tài chính quốc tế như Bretton Woods ngày càng bị chỉ trích là không hiệu quả và không mang tính đại diện đầy đủ.

Ông Deiss cảnh báo do nguy cơ Liên hợp quốc bị đẩy ra bên lề chính trường thế giới, nên các nỗ lực mang tính quyết định cần phải được thúc đẩy khẩn cấp để phục hồi vai trò thực sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc, cải tổ Hội đồng Bảo an, xem xét lại hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tăng cường các cơ quan kinh tế của Liên hợp quốc nhằm tìm ra các cơ chế thích hợp để thông tin, tư vấn và hợp tác giữa Liên hợp quốc và các đối tác quản trị toàn cầu khác.

Liên hợp quốc cần đóng vai trò trung tâm để xử lý những phức tạp trong thế giới đương đại và định hình cơ cấu quản trị toàn cầu hiệu quả, công khai và mang tính đại diện cao.

Các diễn giả tại Diễn đàn đã thảo luận các biện pháp cải thiện sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác như G20, tập hợp các nước phát triển và đang phát triển hàng đầu, đồng thời kêu gọi tăng cường Hội đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC).

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Alicia Bárcena, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các tiến trình hội nhập khu vực để đạt được sự hội tụ chính trị và kinh tế tốt hơn.

Bà Bácxêna nhấn mạnh G20 phải hành động trong phạm vi nguyên tắc hỗ trợ Liên hợp quốc, tập trung vào lĩnh vực mà tổ chức này có thể đạt hiệu quả tốt hơn và can dự vào những thay đổi hệ thống tài chính quốc tế mà không bao gồm trong chương trình nghị sự các lĩnh vực khác đã được Liên hợp quốc xác lập.

G20 cần tập trung giải quyết và điều chỉnh các vấn đề tài chính trong sự hợp tác với các tổ chức đa phương khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục