EU đảm nhận việc kiểm tra các tàu đến Dải Gaza

EU sẽ đảm bảo việc cung cấp viện trợ thiết yếu cho Gaza, đồng thời không để vũ khí lọt vào lãnh thổ Palestine do Hamas kiểm soát.
Ngày 7/6, Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner đề xuất Liên minh châu Âu (EU) đảm nhận nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa trên các tàu cứu trợ cho Dải Gaza, cũng như chịu trách nhiệm về hoạt động của cửa khẩu Rafah nằm trên biên giới giữa Gaza và Ai Cập.

Tuyên bố được ông Kouchner đưa ra sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Anh William Jefferson Hague tại Paris.

Ngoại trưởng Anh Hague giải thích rằng động thái trên sẽ giúp EU đảm bảo việc cung cấp viện trợ thiết yếu cho Dải Gaza, đồng thời không để vũ khí lọt vào Gaza, vùng lãnh thổ Palestine hiện do phong trào Hamas kiểm soát.

Đối với tiến trình điều tra vụ binh lính Israel tấn công tàu cứu trợ Gaza đêm 31/5, ông Hague cho rằng Liên hợp quốc không phải là lựa chọn duy nhất và đề nghị thay thế bằng nhóm Bộ Tứ (gồm Liên hợp quốc, EU, Mỹ và Nga).

Đồng tình với quan điểm này, Ngoại trưởng Italy Franco Frattini cũng đề nghị nhóm Bộ Tứ chỉ định các quan sát viên tham gia điều tra. Italy và Anh cũng kêu gọi nối lại các chuyến hàng viện trợ cho Gaza.
 
Quân đội Israel đã thành lập ủy ban điều vụ việc xảy ra đêm 31/5, do Thiếu tướng về hưu Giora Eiland đứng đầu. Ủy ban sẽ nghiên cứu các bản khai do Hải quân Israel cung cấp, tiến hành các cuộc điều tra mới và đưa ra kết luận vào đầu tháng 7.

Trước đó, Chính phủ Israel cũng thông báo kế hoạch thành lập một ủy ban riêng của chính phủ để điều tra liệu việc quân đội Israel tấn công tàu cứu trợ có phù hợp với luật quốc tế hay không.

Báo chí Israel đưa tin hiện Israel đang phối hợp với Mỹ để lên kế hoạch cho cuộc điều tra này.

Liên quan đến quan hệ Israel-Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức hai nước cho biết cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay có thể khiến hoạt động thương mại song phương thiệt hại tới 3 tỷ USD.

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Israel Binyamin En Eliezer đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ - đối tác thương mại lớn thứ 10 của nước này, tiếp tục duy trì hoạt động thương mại song phương bất chấp căng thẳng chính trị hiện nay giữa hai nước.

Tuy nhiên, ông thừa nhận không thể khẳng định được liệu các dự án lớn giữa hai nước có thể tiếp tục hay không.

Hai nước còn có sự hợp tác chặt chẽ về quân sự và mới đây, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước không ảnh hưởng đến thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay không người lái của Israel trị giá 180 triệu USD.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao nước này đặt điều kiện sẽ tiếp tục hợp tác quân sự với Israel nếu Tel Aviv đồng ý để quốc tế điều tra vụ việc 31/5, một yêu cầu vừa bị Nhà nước Do thái bác bỏ.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ ủng hộ Palestine. Ngày 7/6, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẵn sàng đóng vai trò tích cực nhằm đạt được sự hòa giải giữa các phe phái Palestine là Phong trào Hồi giáo Hamas và Phong trào Fatah.

Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thông báo sẽ gửi tới Dải Gaza một phái đoàn cấp cao nhằm thảo luận vấn đề hòa giải với Hamas./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục