Triển vọng kinh tế thế giới tác động tới Việt Nam

Theo WB, kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm lại vào cuối năm. Việt Nam và các nước đang phát triển sẽ chịu tác động của sự chậm lại này.
Ngày 27/1, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức hội thảo "Triển vọng kinh tế toàn cầu - Cơ hội và thách thức kinh doanh 2010".

Báo cáo Viễn cảnh kinh tế thế giới năm 2010 cho rằng, quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại vào cuối năm do tác động của việc cắt giảm các gói kích cầu trong phạm vi toàn cầu. Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam sẽ phải đối mặt với chi phí cho vay cao hơn, hạn mức tín dụng thấp hơn và dòng vốn quốc tế giảm.

Tại hội thảo các chuyên gia kinh tế đã đánh giá giai đoạn xấu nhất của khủng hoảng kinh tế có thể đã qua nhưng quá trình hồi phục rất chậm. Các chuyên gia của WB dự báo, GDP toàn cầu năm 2010 dự báo sẽ tăng 2,7% và đạt mức 3,2% vào năm 2011. Các nước đang phát triển có viễn cảnh phục hồi tương đối mạnh, tốc độ tăng trưởng 5,2% trong năm nay và tăng lên 5,8% trong năm 2011.

Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương dẫn đầu trong sự phục hồi, phản ánh các chính sách tài chính mạnh và nhu cầu nội địa cao. Nhận xét về những triển vọng này sẽ có tác động đối với Việt Nam như thế nào, ông Hans Timmer, giám đốc nhóm Triển vọng phát triển (WB) cho rằng Việt Nam là nền kinh tế mới nổi và có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Để có thể tận dụng được các cơ hội trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam nên thực hiện chính sách như các nước đang thực hiện để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những thành công của nền kinh tế Đông Á trong quá trình phục hồi đơn giản không phải là vì có các chương trình kích thích kinh tế mà điều quan trọng hơn là gói kích thích kinh tế đó nhằm vào tăng trưởng năng suất và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và kết quả là tạo ra các đầu tư mới. Chính vì thế mà họ có thể đạt được mức tăng trưởng cao và tạo ra được những cơ hội mới cho các nền kinh tế có thu nhập cao. Quan trọng là Chính phủ phải có được những chính sách để có thể tiếp nhận được các cơ hội mới.

Ông Mathias Duehn, giám đốc Phòng Thương mại châu Âu tại Hà Nội nhận định đối với Việt Nam, kinh tế đã phục hồi, các con số phát triển khá ấn tượng ở mức 5,32% năm 2009 và tăng trưởng được hy vọng ở mức hơn 6,5% trong năm nay. Phòng Thương mại châu Âu tin rằng, thách thức lớn nhất cho Việt Nam trong năm 2010 là cân bằng tăng trưởng một cách cẩn trọng mà không thúc đẩy lạm phát, đồng thời đưa ra những giải pháp phát triển bền vững dài hạn cho đất nước.

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những điểm yếu mà hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt là cấu trúc thị trường trong nước còn kém phát triển và chưa đồng bộ; Các thị trường đầu vào và nguồn lực cơ bản nhất có trình độ phát triển thấp; và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, mặc dù khu vực doanh nghiệp linh hoạt nhưng còn yếu và độ liên kết còn thấp, khi đối mặt với khủng hoảng năng lực quản trị còn thấp so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là Việt Nam có thể đi qua cuộc khủng hoảng này sớm nhưng những điểm yếu cơ cấu bên trong vẫn còn lại và sau khủng hoảng còn trầm trọng hơn. Chính điều này đặt ra yêu cầu là trong 10 năm tới, chúng ta cần thoát khỏi điểm yếu cơ cấu một cách tích cực và chủ động. Tác động của năng lực nền kinh tế cộng với tác động của các chính sách của Chính phủ giúp cho quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam tương đối vững chắc./.
Thùy Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục