Eurozone đối mặt với đợt tấn công của thị trường

Eurozone có nguy cơ đối mặt với các đợt tấn công mới của thị trường khi bắt tay thực hiện các biện pháp giải quyết khủng hoảng nợ.
Sức ép của các thị trường tài chính đối với Eurozone đã dịu bớt trong tuần qua khi chi phí vay mượn của Italy đã giảm và cổ phiếu của khối ngân hàng ổn định. Nhưng Eurozone vẫn có nguy cơ đối mặt với các đợt tấn công mới của thị trường trong những tuần tới khi bắt tay thực hiện các biện pháp đã cam kết để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.

Trong khi các quan chức Eurozone đang chật vật để hoàn tất bản chi tiết của thỏa thuận đã được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường hôm 21/7 thì các nhà đầu tư lại đòi hỏi phải đưa ra các giải pháp nhanh.

Thỏa thuận hôm 21/7 cam kết tạo sự linh hoạt hơn cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) bằng cách mua lại trái phiếu trên các thị trường thứ cấp và cho các nước gặp khó khăn vay tiền. Thỏa thuận cũng cho phép các nhà đầu tư tư nhân đang nắm giữ nợ của Hy Lạp tham gia vào kế hoạch đảo nợ để tiết kiệm khoảng 37 tỷ euro.

Nhưng có lẽ sẽ phải mất nhiều tuần để những thay đổi đối với EFSF được Quốc hội các nước thành viên Eurozone thông qua, trong đó Quốc hội Đức sẽ chỉ cân nhắc vào cuối tháng 9 và có nhiều tín hiệu cho thấy Hy Lạp đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục đủ các nhà đầu tư ký vào thỏa thuận đáo nợ. Trong khi đó, tranh cãi về tiền ký quỹ mà chính phủ các nước cho vay khẩn cấp đòi hỏi Hy Lạp đe dọa trì hoãn hoặc có thể làm tan vỡ toàn bộ thỏa thuận.

Tranh cãi tập trung vào vấn đề không chỉ có Phần Lan sẽ nhận được tiền ký quỹ, mà Hà Lan, Áo, Slovakia và một số nước khác cũng muốn có sự bảo đảm tương tự kèm theo số tiền sẽ là bao nhiêu.

Ủy ban châu Âu đã phải cảnh báo quá nhiều nước đưa ra đòi hỏi như thế sẽ làm thỏa thuận không thể thực hiện được. Thỏa hiệp thất bại cũng có nghĩa là Phần Lan có thể từ bỏ phần đóng góp của họ vào gói cứu trợ đợt 2 mà Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp. Cho dù phần đóng góp của các nước đó khá khiêm tốn và không ảnh hưởng nhiều tới đợt cứu trợ, nhưng lại gián tiếp tác động tới sự gắn kết trong Eurozone và có thể làm thị trường hoảng hốt.

Tuy nhiên, Phần Lan cũng đã quyết định từ bỏ yêu cầu đòi Hy Lạp ký kết thỏa tuận tín dụng song phương. Không những thế Hy Lạp còn cảnh báo kế hoạch đáo nợ có thể không khả thi, trừ phi 90% khu vực tư nhân tham gia. Nếu không có sự đóng góp đáng kể từ các ngân hàng và các công ty bảo hiểm chính phủ các nước giàu hơn trong Eurozone sẽ gặp khó khăn hơn trong việc lý giải với người đóng thuế tiền cứu trợ cho Hy Lạp.

Một vấn đề nữa là IMF sẽ đóng góp bao nhiêu vào gói cứu trợ lần hai trị giá 109 tỷ euro dành cho Hy Lạp. Hồi tháng Năm năm ngoái, thể chế tài chính này đã từng cam kết đóng góp 1/3 vào gói cứu trợ lần một trị giá 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp, nhưng chưa rõ liệu các cổ đông là nền kinh tế mới nổi trong IMF có sẵn lòng tiếp tục mở hầu bao cho khu vực dường như không có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ có hiệu quả.

Khi gói cứu trợ lần một cho Hy Lạp được loan báo hồi tháng 5 năm ngoái IMF đã nhanh chóng cam kết hỗ trợ, nhưng lần này họ không đưa ra con số cụ thể.

Ngoài ra, các giám đốc IMF mang quốc tịch Brazil và Ấn Độ cũng cảnh báo Ban giám đốc về việc đổ quá nhiều tiền vào châu Âu. Tất cả những quan ngại đó đã ảnh hưởng tới Hy Lạp, đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm từ mức 37,7% lên 46,6% vào cuối tuần trước, bất chấp nhiều thị trường tài chính Eurozone đã ổn định hoặc được cải thiện./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục