"Phiên tòa thế kỷ"

Toàn cảnh phiên tòa xử vụ "hối lộ thế kỷ” tại Brazil

Có 38 cựu bộ trưởng, nghị sĩ, doanh nhân và các chủ ngân hàng đã bị khởi tố vì cáo buộc bỏ tiền mua phiếu bầu Quốc hội (2002-2005).
Phiên xử hối lộ lớn nhất từ trước tới nay tại Brazil đã bắt đầu hôm thứ Năm, với hàng chục cựu quan chức bị buộc tội bỏ tiền mua phiếu bầu, trong một vụ việc có thể gây tổn hại tới hình ảnh của cựu Tổng thống được người dân yêu mến, ông Luiz Inacio Lula da Silva. Trong vụ việc được báo chí Brazil gọi là "phiên tòa thế kỷ," 38 cựu bộ trưởng, nghị sĩ, doanh nhân và các chủ ngân hàng đã bị khởi tố trước Tòa án Tối cao vì cáo buộc bỏ tiền mua phiếu bầu trong Quốc hội từ năm 2002 - 2005. Thẩm phán Tòa án Tối cao Carlos Ayres Britto đã đọc thên các bị cáo và chi tiết về các cáo buộc mà họ phải nhận, từ mức biển thủ tài sản cho tới rửa tiền, hối lộ và gian lận. Những kẻ bị khởi tố có thể đối diện với án tù lên đến 45 năm tù giam. Được biết tới với tên "Mensalao" (Các khoản chi trả lớn mỗi tháng), vụ bê bối đã liên lụy tới nhiều thành viên cao cấp trong Đảng Người lao động (PT) của ông Lula, cũng là đảng cầm quyền hiện nay. Lula, sáng lập viên kiêm lãnh đạo đảng này, không nằm trong danh sách các bị cáo. Theo các cáo buộc đã xuất hiện lần đầu hồi năm 2005, khi ông Lula đang đương nhiệm, các thành viên PT đã thường hối lộ các nghị sĩ trong Quốc hội để có phiếu bầu của họ. Các công tố viên nói rằng tiền hối lộ được lấy ra từ ngân sách quảng cáo của nhiều công ty nhà nước và chi thông qua một công ty thuộc sở hữu của doanh nhân Marcos Valerio de Souza. Souza là một trong những bị cáo. Không một ai trong số 38 bị cáo bị bắt và cũng chẳng có ai hiện diện trước tòa. Lula, hiện 66 tuổi và đang phục hồi từ một căn bệnh ung thư vòm họng, cho biết hôm thứ Năm rằng ông sẽ không theo dõi tiến trình xét xử. Cựu Tổng thống khẳng định ông đã bị phản bội và nhân danh PT để đưa ra lời xin lỗi dư luận. Đảng này đã bác bỏ các cáo buộc họ bỏ tiền mua phiếu bầu. Một luật sư đại diện cho nghị sĩ Roberto Jefferson của đảng PT, người đã tung hê bê bối ra trước công luận hồi năm 2005, cho biết ông sẽ không bình luận việc vì sao Lula lại không nằm trong nhóm các bị cáo. "Đây là một phép thử với hệ thống chính trị của Brazil. Uy tín của nó đang bị đe dọa" - David Fischer, một nhà khoa học chính trị ở Đại học Brasilia đánh giá. Những người bị khởi tố gồm có cựu Chánh văn phòng Tổng thống Jose Dirceu, cựu Bộ trưởng Truyền thông Luiz Gushiken và cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải Anderson Adauto, bên cạnh gần một chục cựu nghị sĩ. Cơ quan công tố tin rằng Jose Dirceu, một luật sư 66 tuổi và là cựu thủ lĩnh PT, chính là nhân vật chính đứng sau mạng lưới hối lộ. Nếu bị cho là có tội, ông này sẽ phải đối diện với án tù kéo dài ít nhất 15 năm. Theo đảng đối lập Dân chủ Xã hội Brazil (PSDB), ít nhất 50 triệu USD đã được chi trong các vụ bê bối hối lộ kể trên. Tuy nhiên Jose Luiz Oliveira Lima, một luật sư của Dirceu, khẳng định không có cái gọi là bỏ tiền mua phiếu như cáo buộc nói.  Ông nói với tờ nhật báo O Globo hôm thứ Tư: "Không có bằng chứng về việc tiền công được sử dụng phi pháp. Hàng chục nhân chứng đã nói rằng Dirceu không biết gì về các khoản vay và hoạt động chuyển tiền".

Ông Lula da Silva nói ông đã bị phản bội (Nguồn: AFP)
Công tố viên trưởng Roberto Gurgel trước đó đã đánh giá vụ việc là "một trong những kế hoạch hối lộ và biển thủ công quỹ liều lĩnh nhất từ trước tới nay ở Brazil". Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài 1 tháng và sẽ thu hút sự chú ý của báo chí Brazil. Hoạt động tranh tụng sẽ bắt đầu diễn ra từ thứ Sáu. Phiên tòa có thể ảnh hưởng tới kết quả của cuộc bầu cử địa phương trong tháng 10, vốn sẽ định hình bản đồ chính trị cho cuộc bầu cử Tổng thống 2014. Đây là vụ bê bối hối lộ nổi tiếng nhất Brazil kể từ khi Tổng thống Fernando Collor de Melo phải từ chức hồi năm 1992, sau khi mới phục vụ được nửa nhiệm kỳ 4 năm. Hoạt động điều trần trước Thượng viện cho thấy ông phạm tội tham nhũng và ngoài việc phải từ chức, ông cũng bị cấm tham gia chính trị trong 8 năm./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục