Gặp điển hình tiên tiến nạn nhân chất độc da cam

Cuộc giao lưu các điển hình tiên tiến toàn quốc của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã diễn ra tối 9/7 tại Hà Nội.
Tối 9/7, cuộc giao lưu các điển hình tiên tiến toàn quốc của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tới dự cuộc giao lưu.

Chương trình giao lưu gồm ba phần “Nỗi đau da cam,” “Vượt lên số phận” và “Xoa dịu nỗi đau da cam,” xen kẽ với đó là các phóng sự giới thiệu nửa thế kỷ thảm họa da cam và các ca khúc mới sáng tác về chất độc da cam.

Tham gia giao lưu trong chương trình có chín nhân vật điển hình, trong đó có cả các nạn nhân chất độc da cam mà câu chuyện của họ đã giúp khán giả hiểu rõ thêm về nỗi đau da cam; về ý chí, nghị lực vượt lên nỗi đau của các nạn nhân da cam; tấm lòng của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế trong việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Nhân vật đầu tiên tham gia giao lưu là ông Đỗ Đức Địu (Quảng Bình), một người lính mang trong mình chất độc da cam khi trở về từ chiến trường. Ông sinh 15 người con thì 12 đứa không được làm người, 2 đứa còn sống khác đang phải từng ngày vật lộn với di chứng da cam.

Trong khi đó, chất độc da cam đã khiến bà Cao Thị Phú (Bắc Giang) một thanh niên xung phong không được hưởng hạnh phúc được làm mẹ. Bà đang nuôi dưỡng những trẻ bị nhiễm chất độc da cam, yêu thương, che chở cho chúng mặc dù đó không phải là con đẻ của bà…

Chất độc da cam đã ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam, hiện đã có tới thế hệ thứ 4 và chưa biết bao giờ sẽ dừng lại. Rất nhiều nạn nhân sinh ra sau chiến tranh là nạn nhân thế hệ thứ 2, thứ 3 dù khiếm khuyết một phần thân thể nhưng đã vượt qua số phận, sống có ý nghĩa và thành công.

Nguyễn Chiến Thắng đến từ Hà Nội đã nhận giải thưởng “Nghị lực” cuộc thi trí tuệ Việt Nam 2004 với phần mềm bảo mật tích cực cho trang thông tin điện tử; tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc chương trình lập trình viên quốc tế. Còn Tuấn Kiệt đến từ Quảng Ngãi bị liệt hai chân từ bé những vẫn theo học ba trường đại học, cao đẳng, hiện đang là lao động chính trong gia đình nuôi hai em ăn học, một em trai đang sống thực vật 20 năm qua do nhiễm chất độc da cam.

Trong khi đó Hồ Hữu Hạnh (Đồng Nai) sinh ra đã không có hai tay nhưng sử dụng thành thạo hai chân để thực hiện các công việc thay đôi tay một cách linh hoạt.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng gần 40 năm công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã chứng kiến rất nhiều ca sinh ra những đứa trẻ dị dạng, được chẩn đoán là phơi nhiễm chất độc da cam. Từ đó, bà luôn kiên trì, bền bỉ theo đuổi cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân da cam.

Còn bà Bente Petersen, Giám đốc điều hành ABLE châu Á-Thái Bình Dương đang giúp đỡ Việt Nam tẩy độc cho các nạn nhân bằng phương pháp hiện đại. Mô hình tẩy độc này đang được triển khai thí điểm ở Thái Bình, bước đầu đã cho hiệu quả tốt, sức khỏe của các nạn nhân đã được cải thiện nhiều.

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Xuân Sang, Tư lệnh Binh đoàn 15 Bộ Quốc phòng là người chứng kiến quân đội Mỹ rải chất độc da cam lần đầu tiên ở núi rừng Tây Nguyên nước ta. Ông là người tiên phong lãnh đạo Binh đoàn 15 tiến hành xây dựng, phát triển kinh tế, quốc phòng, làm xanh hóa vùng đất Tây Nguyên, biến nơi đây thành lá chắn bao bọc vùng biên cương Tổ quốc, cải thiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Thông qua chương trình này, Ban tổ chức muốn gửi tới thông điệp da cam, kêu gọi cộng đồng xã hội, nhân dân các nước trên thế giới đoàn kết đấu tranh chống vũ khí giết người hàng loạt, hưởng ứng lời kêu gọi “nói không” với vũ khí hóa học của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam nước ta./.

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục