Nhiều lĩnh vực ưu tiên được vay bằng trần lãi suất

Ngân hàng Nhà nước cho biết, một số lĩnh vực ưu tiên hiện đang được vay với mức lãi suất bằng hoặc thấp hơn so với trần lãi suất.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện có nhiều tổ chức tín dụng tích cực triển khai các gói tín dụng để đáp ứng vốn cho một số lĩnh vực ưu tiên với mức lãi suất bằng hoặc thấp hơn so với trần lãi suất 13%/năm của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện nay, lãi suất cho vay VNĐ phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 11-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 14-17%/năm; cho vay lĩnh vực phi sản xuất 16-20%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 5,5-7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9%/năm đối với trung và dài hạn.

Mặc dù mức lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất nói chung vẫn còn cao nhưng từ giữa tháng 6, một số tổ chức tín dụng đã chủ động triển khai các gói tín dụng phục vụ một số lĩnh vực phi sản xuất được khuyến khích với mức lãi suất từ 13-16%/năm. Điển hình như Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu triển khai chương trình cho vay ngắn hạn VNĐ với mức lãi suất 7%/năm với điều kiện là khoản vay VNĐ được bảo đảm theo giá trị USD và gắn với biến động tăng của tỷ giá VNĐ/USD không quá 3%. Hiện lãi suất cho vay USD của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 5,5-7,5%/năm đối với ngắn hạn và 7,5-9%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãi suất huy động VNĐ trong tuần cuối tháng 6 đã ổn định hơn, hiện phổ biến ở mức: 1-2%/năm đối với không kỳ hạn; 2% với kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 1 đến dưới 12 tháng là 8,8-9%/năm; từ 12 tháng trở lên vẫn được hưởng mức cao hơn, từ 10-12%/năm. Đáng chú ý, ngày 21/6, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 3772/Ngân hàng Nhà nước-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam tại Thông tư số 19/2012/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 8/6/2012 và quy định lãi suất tiền gửi rút trước hạn tại Thông tư số 4/2011/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 10/3/2011. Theo đó, các tổ chức tín dụng không được cung cấp dưới mọi hình thức các sản phẩm tiền gửi nhằm tránh việc lách các quy định về lãi suất.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VNĐ đạt xấp xỉ 152.093 tỷ đồng, bình quân khoảng 30.419 đồng/ngày, cao hơn so với tuần trước đó; các giao dịch liên ngân hàng tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn. Doanh số giao dịch các kỳ hạn ngắn bằng VNĐ đạt khoảng 107.658 tỷ đồng, tương đương 71% tổng doanh số giao dịch bằng VNĐ.

Lãi suất giao dịch bình quân thị trường liên ngân hàng kỳ này có xu hướng tăng đối với các kỳ hạn dưới 9 tháng; trong đó các kỳ hạn ngắn từ qua đêm đến 2 tuần có mức tăng từ 0,44% đến 0,73%; các kỳ hạn từ 3 tuần đến 6 tháng, lãi suất tăng, với mức từ 0,83% đến 1,32%. Các kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng, lãi suất bình quân giảm lần lượt là 2,50% và 0,28%. Riêng với các giao dịch bằng USD, tăng đối với các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tháng, 3 tháng và 12 tháng.

Ngoại trừ kỳ hạn 12 tháng có mức tăng 0,9% thì các kỳ hạn còn lại đều có các mức tăng từ 0,04% (kỳ hạn qua đêm) đến 0,14% (kỳ hạn 2 tháng). Các kỳ hạn từ 2 tuần đến 1 tháng và kỳ hạn 6 tháng lãi suất bình quân giảm; trong đó kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng có mức giảm lần lượt là 0,11% và 0,22%; kỳ hạn 3 tuần và 6 tháng có mức giảm lớn hơn, lần lượt giảm 0,73% và 1,08%. Trong kỳ không phát sinh giao dịch kỳ hạn 9 tháng.
 
Trong tuần cuối tháng 6, hoạt động mua, bán ngoại tệ diễn ra sôi động, thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống tốt. Tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng diễn biến tương đối ổn định và tiếp tục có xu hướng giảm. Hiện, tỷ giá niêm yết mua, bán VNĐ/USD của các ngân hàng thương mại đang phổ biến quanh mốc 20.850 đồng-20.910 đồng/USD./.

Thu Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục