Người khuyết tật nhọc nhằn tìm việc thời kinh tế khó

Những người khuyết tật rất khó khăn khi tìm việc vì đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có cái nhìn tích cực về khả năng của họ.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để tìm được công việc phù hợp và ổn định không phải là chuyện dễ. Người bình thường tìm việc làm đã khó, con đường tìm việc của người khuyết tật lại càng nhọc nhằn hơn khi doanh nghiệp chưa có cái nhìn tích cực về khả năng của họ. "Thắt lưng buộc bụng" Đơn cử trường hợp của Anh Nguyễn Trung Minh (29 tuổi, quê ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội), một người khuyết tật đang chật vật tìm kế sinh nhai cho bản thân mình. Anh Minh bị khiếm khuyết về chân nên không thể đi lại được và phải sử dụng xe lăn, vì vậy may mắn lắm anh mới tìm được một công việc tương đối phù hợp vào đầu năm 2012. Vì công việc, dù nhà cách xa chỗ làm hơn 20km, anh Minh phải "thắt lưng buộc bụng" thuê nhà gần công ty để đi làm cho tiện.
[Thêm cơ hội việc làm cho người khuyết tật Hà Nội]
Nhưng ngay đến việc thuê nhà cũng đâu phải dễ, vì khiếm khuyết của mình nên anh Minh chỉ có thể ở tầng một, anh phải nhờ hết người thân, bạn bè tìm mãi mới được một nơi ở thuận tiện. Lương tháng chẳng bao nhiêu, lại gánh thêm tiền nhà, rồi tiền ăn uống, chi phí sinh hoạt… anh không trả nổi nên gia đình vẫn phải hỗ trợ thêm. Dù thế, đối với Minh, được đi làm là niềm vui lớn nhất, nhờ đi làm mà anh thấy như mình đang được sống đúng nghĩa. Thời buổi kinh tế khủng hoảng, các công ty đua nhau lên danh sách cắt giảm nhân sự và người khuyết tật đôi lúc lại là những "mục tiêu" đầu tiên trong danh sách này. Để "cắt giảm", các công ty thường đưa ra những lý do rất khéo léo để người lao động phải... vui vẻ nghỉ việc một các "tự nguyện". “Công ty điều chuyển nhóm của tôi vào Bình Dương làm việc nên tôi không thể đi theo được mà phải nghỉ việc vì chân thế này thì làm sao tôi đi xa được," anh Minh kể lại. Dù biết việc chuyển công tác chỉ là lý do để cho thôi việc, anh Minh vẫn tỏ ra thông cảm và lạc quan: “Thời buổi khó khăn, công ty nào cũng muốn một người cùng lúc làm được hai ba việc, mình thì không thể nên họ cho thôi việc cũng là đúng thôi, cũng nên thông cảm cho công ty.”

Anh Minh kiên trì viết hồ sơ xin việc dù biết cơ hội rất nhỏ. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)
Ánh mắt anh Minh sáng lên khi kể về những ngày đi làm: “Mỗi lần công ty tổ chức hội thảo hay tham gia sự kiện mình cũng phải có mặt, nhiều khi tiền công chả đủ tiền đi lại bằng taxi nhưng vẫn vui vì được tham gia những hoạt động lớn của công ty. Ít ra cũng thấy bản thân có ích và đóng góp được phần nào đấy cho doanh nghiệp.” Và cứ như thế “cuộc chiến” tìm việc của anh Minh lại bắt đầu, để đến được phiên giao dịch việc làm lồng ghép tư vấn, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, anh Minh phải thuê ôtô và đi cùng một người thân. Anh nói, dù tốn kém nhưng anh không muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào. Anh Minh tâm sự: “Dù hôm nay không có việc gì phù hợp với tôi nhưng tôi đã viết hồ sơ gửi lại chờ công việc phù hợp. Tôi đang tìm kiếm công việc biên tập, nó phù hợp với khả năng và khiếm khuyết của tôi vì chỉ phải ngồi một chỗ.” Rất trung thành Mặc dù nhà nước đã có những chính sách ưu đãi như hỗ trợ vốn, ưu tiên cấp địa điểm thuận lợi, đầu tư kỹ thuật công nghệ, miễn giảm thuế cho các cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh nhận lao động khuyết tật… nhưng có một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp nhận người khuyết tật đều là những doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoặc có chủ là người khuyết tật. Còn lại, đa số doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đều từ chối khéo tiếp nhận lao động khuyết tật. Lý giải cho sự thờ ơ của các doanh nghiệp, ông Bob Horvath, Phó Giám đốc Dự án Hòa nhập người khuyết tật Việt Nam (Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam - VNAH) cho rằng do các doanh nghiệp chưa có cái nhìn tích cực về khả năng của người khuyết tật nên họ còn e ngại, không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc. “Các doanh nghiệp nên thay đổi suy nghĩ, hãy nghĩ theo hướng người khuyết tật có thể làm được gì chứ không phải người khuyết tật không thể làm được gì. Thực tế cho thấy người khuyết tật khi tìm được công việc phù hợp, họ vẫn hoàn thành xuất sắc công việc được giao,” ông Bob Horvath nói. Không thể phủ nhận nhân lực là những người khuyết tật có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, một khi tìm được việc làm, họ thường rất chăm chỉ, nỗ lực hoàn thành công việc và luôn cố gắng để không bị phân biệt, so sánh trong công việc với người bình thường. Công ty TNHH Esoftplow có tới hơn 20 lao động là người khuyết tật. Chị Nguyễn Thủy Hà, một cán bộ trưởng phòng của công ty nhận xét: “Khi được tạo điều kiện làm việc phù hợp, các bạn khuyết tật đều hoàn thành tốt công việc không thua kém các nhân viên bình thường khác.” Chị Hà cho rằng điều quan trọng để lao động khuyết tật làm tốt công việc là phải tạo cho họ một môi trường làm việc thật hòa đồng, không có sự phân biệt đối xử và đừng giới hạn khả năng của họ ngay cả trong suy nghĩ mà phải tin tưởng họ thì họ sẽ rất trung thành với công ty. Theo bà Phan Thị Bích Diệp, Phó chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội thì một khi người khuyết tật được tạo điều kiện, họ sẽ làm việc hết mình vì đặc điểm của họ là rất trung thành. Bản thân người khuyết tật khi làm việc cũng mong doanh nghiệp tiếp nhận họ không phải vì từ thiện mà vì thấy được khả năng của họ, tin tưởng rằng họ mang được lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp. Khát khao có được một công việc để tự lập trong cuộc sống, những người khuyết tật cố gắng trang bị cho mình đầy đủ những kỹ năng mà các doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu. Chính cái nhìn tích cực của những nhà tuyển dụng sẽ khiến họ nỗ lực vươn lên, vì vậy, hãy quan tâm người khuyết tật có thể làm được những gì, đừng chỉ chăm chú xem họ không thể làm được gì./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục