Giá dầu giảm nhẹ trên thị trường châu Á

Ở thời điểm giữa phiên ngày 6/8 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng 9 giảm xuống 71,46 USD/thùng.

Ở thời điểm giữa phiên ngày 6/8 trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng 9 giảm 51 xu xuống 71,46 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 61 xu xuống 74,9 USD/thùng.

Trong khi đó, tại phiên giao dịch ngày 5/8, giá dầu tại cả hai hợp đồng này đều tăng, do các nhà đầu tư quay lại với các thị trường hàng hóa (trong đó có dầu mỏ), trong bối cảnh đồng USD suy yếu khiến dầu thô kỳ hạn trở thành một lựa chọn đầu tư hấp dẫn. Giá dầu thô được mua bán bằng đồng tiền xanh và trở nên rẻ hơn trong trường hợp đồng tiền này xuống giá.

Đồng USD vốn được coi là một đồng tiền an toàn và có xu hướng lên giá trong thời điểm kinh tế bất ổn, trong khi đồng euro nói chung thường mạnh lên khi các nhà đầu tư cảm thấy lạc quan về tình hình kinh tế toàn cầu.

Theo các chuyên gia phân tích thuộc tổ chức tư vấn Capital Economics (có trụ sở tại London), đồng USD đang phải chịu sức ép lớn từ đợt tăng giá của dầu mỏ gần đây, nhưng trong thời gian tới giá dầu sẽ hạ. Con đường phục hồi của giá dầu có vẻ nhiều chông gai, trong bối cảnh nhu cầu của thị trường dự kiến sẽ vẫn yếu trong nhiều năm tới.

Những thống kê mới đây của Bộ Năng lượng Mỹ đã đưa ra một bức tranh khá hỗn độn về nhu cầu dầu mỏ tại nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới này. Trong tuần kết thúc vào ngày 31/7 vừa qua, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm 1,7 triệu thùng - cao gấp 3 lần con số dự báo của các chuyên gia phân tích.

Trong khi đó, dự trữ các chế phẩm chưng cất, gồm dầu diesel và dầu sưởi, lại giảm 1,1 triệu thùng - ngược hẳn với dự báo của các chuyên gia là tăng 900.000 thùng. Còn mức dự trữ xăng chỉ giảm 200.000 thùng, thấp hơn nhiều so với mức giảm dự đoán (1,3 triệu thùng).

Theo Viện quản lý nguồn cung Mỹ, trong tháng 7, khu vực dịch vụ của nước này đã sụt giảm mạnh hơn dự kiến. Tháng 7 cũng là tháng thứ 10 liên tiếp hoạt động bán lẻ, dịch vụ tài chính, giao thông vận tải và chăm sóc y tế của Mỹ - vốn chiếm tới 80% trong hoạt động kinh tế nước này - sụt giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục