Vụ Snowden đang khiến chính quyền Mỹ bị bẽ mặt?

Các nhà lãnh đạo mà Tổng thống Mỹ đã liên tục tiếp xúc và kêu gọi hợp tác trong thời gian gần đây có vẻ như đều "sẵn lòng" làm bẽ mặt ông.

Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, chính sách ngoại giao của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hướng tới các mục tiêu quan trọng là tái thiết quan hệ với Nga, xây dựng quan hệ đối tác với Trung Quốc, và đưa quan hệ với các nhà lãnh đạo đối lập từ Iran tới Venezuela sang một trang hoàn toàn mới.

 

Tuy nhiên, việc cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden - người đang lẩn tránh hệ thống tư pháp của Mỹ sau khi tiết lộ chương trình do thám Internet của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) - ngày 23/6 đã di chuyển đến một số quốc gia sau khi rời khỏi Hong Kong một cách hợp pháp đã nêu bật những giới hạn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

 

Các nhà lãnh đạo mà Tổng thống Obama đã liên tục tiếp xúc và kêu gọi hợp tác trong thời gian gần đây có vẻ như đều "sẵn lòng" làm bẽ mặt ông. Thái độ thách thức của những cá nhân và tổ chức được gọi là "các nhân tố phi nhà nước," như Snowden hay trang mạng WikiLeaks, đã góp phần hoàn thiện bức tranh thế giới hiện đại, trong đó các quan điểm đúng-sai của Mỹ ngày càng ít được tôn trọng hơn.

 

Mỹ đã liên tục thúc đẩy các nỗ lực ngăn không cho Snowden nhận được quy chế tị nạn. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đã trao đổi với các quốc gia ở phía Tây Bán Cầu rằng nhân vật này "không nên được cấp phép thông hành, và điều cần thiết là dẫn độ anh ta về Mỹ".

[Hành trình "tìm tự do" của cựu điệp viên Snowden]

 

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino mới đây đã xác nhận trên trang Twitter cá nhân rằng nước này đã nhận được đề nghị xin tị nạn của Snowden. Sau khi rời khỏi Hong Kong sáng 23/6, Snowden đã đến Mátxcơva vào chiều cùng ngày, song ông này chỉ nán lại Nga trong thời gian chưa đến một ngày trước khi bắt một chuyến bay khác tới nước thứ ba. Các hãng thông tấn Nga dẫn nguồn tin của Hãng hàng không Aeroflot cho biết tên của Snowden nằm trong danh sách hành khách của chuyến bay SU-150 dự kiến bay từ Mátxcơva tới La Habana (Cuba) vào chiều 24/6 và có thể sau đó sẽ đáp tiếp một chuyến bay khác tới Caracas (Venezuela)

 

Từ ngày 10/6, Chính quyền Mỹ đã liên lạc với Hong Kong để xác minh thông tin Snowden đang lưu trú tại khu vực này, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về hợp tác của hai bên trong việc xử lý vụ việc. Một quan chức thuộc Bộ Tư pháp Mỹ cho hay Bộ trưởng Eric Holder đã điện đàm với người đồng cấp Hong Kong Rimsky Yuen ngày 19/6 để thúc giục Hong Kong tôn trọng yêu cầu của Mỹ về việc bắt giam Snowden. Tuy nhiên, quan chức này cho biết Mỹ đã vô cùng thất vọng khi Hong Kong cho phép Snowden xuất cảnh một cách hợp pháp.

 

Văn phòng Thông tin chính quyền Hong Kong ngày 23/6 cho biết Snowden đã rời Hong Kong một cách hợp pháp sang nước thứ ba. Thông cáo cho biết thêm chính phủ Mỹ đã chuyển lệnh bắt tạm thời cho chính quyền Hong Kong, nhưng văn kiện của chính phủ Mỹ không hoàn toàn phù hợp với luật pháp Hong Kong. Do vậy, trong khi chưa đủ thông tin xử lý lệnh bắt, chính quyền Hong Kong không có căn cứ pháp lý để ngăn cản Snowden rời khỏi hòn đảo này. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho hay trong các cuộc thảo luận trước đó vào ngày 21/6, phía Hong Kong không hề đưa ra bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến tính chính đáng của yêu cầu mà Mỹ đưa ra.

 

Cùng lúc, trang mạng WikiLeaks tuyên bố Snowden đã được các nhà ngoại giao và Sarah Harrison, một nhà nghiên cứu hợp pháp người Anh làm việc cho tổ chức này, hộ tống. Cựu Thẩm phán người Tây Ban Nha Baltasar Garzon, Giám đốc Hợp pháp của WikiLeaks, nói: "Nhóm luật sư của WikiLeaks và tôi rất quan tâm tới việc bảo vệ nhân quyền cho ông Snowden. Những gì mà người ta đang đối xử với Snowden và Julian Assange - những người dũng cảm vạch trần sự thật cho công chúng - là hành động hành hung con người".

[Mỹ tiếp tục cảnh báo Trung Quốc, Nga về Snowden]

 

Các quan chức Mỹ tin rằng chính quyền Bắc Kinh đã tác động tới chính quyền Hong Kong để cho phép Snowden rời khỏi khu vực. Với việc làm này, Trung Quốc có thể tránh khỏi một tình huống "nhạy cảm," nhiều khả năng làm bùng phát xung đột chính trị.

Giáo sư Cheng Li, chuyên nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Viện Brookings, một viện nghiên cứu chính sách tại Washington, nhận định: "Đối với Trung Quốc, việc này (Snowden rời Hong Kong) có thể giúp họ thở phào. Họ không muốn anh ta tị nạn trên lãnh thổ của mình quá lâu. Nếu mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát, rõ ràng nó sẽ hủy hoại tất cả các thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong cuộc gặp cấp cao vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại California, bởi vậy Trung Quốc chắc chắn sẽ rất 'vui mừng' khi Nga trở thành nước thế chân".

 

Nếu Nga cho phép Snowden quá cảnh và tiếp tục bay tới Ecuador, điều này sẽ hủy hoại hoàn toàn chính sách đối ngoại với Nga mà ông Obama thực hiện từ năm 2009, nhằm "tái khởi động" quan hệ với Mátxcơva. Thượng nghị sỹ thành phố New York Chuck Schumer chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dung túng việc Snowden quá cảnh tại Nga, đồng thời cảnh báo nguy cơ kéo theo "các hệ lụy nghiêm trọng" ảnh hưởng tới mối quan hệ Mỹ-Nga, vốn đang vô cùng căng thẳng do hồ sơ Syria và các vấn đề nhân quyền. Ông nói: "Tổng thống Putin dường như luôn muốn gây khó dễ cho Mỹ , bất kể đó là vấn đề Syria, hay Iran, và hiện là trường hợp Snowden".

 

Trong khi đó, tại Mỹ, Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Peter King - Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa và thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện, người thường xuyên chỉ trích ông Obama, cho rằng Tổng thống nên mạnh tay hơn trong việc bảo vệ các chương trình giám sát mà quan chức Mỹ tuyên bố là nhằm chống lại các mối đe dọa khủng bố, đồng thời cương quyết hơn trong quan hệ với các đối tác nước ngoài.

 

Trả lời phỏng vấn kênh CNN, ông nói: "Tôi cho rằng có vấn đề ở chỗ Tổng thống quá im lặng trước vụ việc này. Và một lần nữa, tôi không cho rằng ông ấy... cần can dự nhiều hơn vào việc thực thi các biện pháp để bảo vệ chương trình của NSA. Tình hình hiện nay như thể chúng ta đang mất phương hướng và các quốc gia khác có thể lợi dụng điều này. Vụ việc là một cú đòn giáng vào nền ngoại giao của Tổng thống và của Mỹ".

 

Thượng nghị sỹ bang Nam Carolina thuộc Đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với hãng tin Fox News: "Snowden đã làm tổn hại một chương trình an ninh quốc gia được thực hiện để giám sát các hoạt động khủng bố. Bởi vậy, tôi hy vọng rằng bằng bất cứ giá nào nhân vật này cũng sẽ bị bắt giữ và phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, đồng thời chúng ta cần khiến người Nga nhận thức được rằng sẽ có những hệ lụy khó lường nếu họ dung túng nhân vật này"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục