UB Thường vụ QH góp ý dự án Luật Tiếp công dân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quy định trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu QH trong việc tiếp công dân.
Tiếp tục phiên họp thứ 21, sáng 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tiếp công dân và báo cáo về công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Việt Nam.

Tiếp công dân là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật tiếp công dân, thống nhất về nhận thức rằng việc tiếp công dân phải được xác định là hoạt động thường xuyên, là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước - những cơ quan liên quan trực tiếp và được giao thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân.

Đối với quy định tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định việc tăng cường vai trò của các trụ sở tiếp công dân thực chất là tăng cường tính tập trung của hoạt động tiếp công dân, tạo đầu mối chung để điều phối hoạt động tiếp công dân ở từng cấp, tạo điều kiện cho người dân không phải đến nhiều nơi để khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, sẽ rất khó xác định vị trí của trụ sở này trong hoạt động của bộ máy nhà nước hiện nay.

Mặt khác, do thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân vẫn phải thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan khác, trụ sở tiếp công dân chỉ là nơi tiếp nhận, xử lý, phân loại và trả kết quả giải quyết cho người dân. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên đổi tên trụ sở tiếp công dân là ban hoặc văn phòng tiếp công dân của Trung ương Đảng, Nhà nước cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này.

Để nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp công dân, đồng thời để tạo điều kiện cho người dân muốn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị với các chủ thể trên, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong luật cần quy định trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc tiếp công dân và một số vấn đề mang tính nguyên tắc đối với hoạt động này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức để các đại biểu Quốc hội trong đoàn thực hiện việc tiếp công dân. Để tránh trùng lặp, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhiều ý kiến cũng đề nghị bổ sung trong luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào các quy định của Luật Tiếp công dân quy định chi tiết về tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp.

Dự kiến dự án luật Tiếp công dân được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Chuẩn bị tốt việc tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 tại Việt Nam

Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội trong khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2015.

Theo báo cáo của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ban Chỉ đạo IPU-132 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng ban; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm phó trưởng ban.

Ban Tổ chức cấp Nhà nước về việc chuẩn bị và tổ chức IPU-132 do Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm Trưởng ban. Ban Tổ chức IPU-132 sẽ có các Tiểu ban phụ trách việc đề xuất, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án công tác theo các mảng lĩnh vực.

Ban Thư ký IPU-132 là cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo IPU-132 và Ban Tổ chức IPU-132 về các vấn đề tổ chức và nội dung trong quá trình chuẩn bị và tổ chức IPU-132...

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hoạt động của Ban Chỉ đạo IPU 132 cần đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đảng đoàn Quốc hội. Việc tổ chức IPU-132 cần đề xuất các nội dung tuyên truyền phù hợp với lợi ích của Việt Nam, bảo đảm an toàn trật tự xã hội, thể hiện rõ truyền thống, bản sắc văn hóa, dấu ấn của đất nước, Quốc hội, con người Việt Nam; mở rộng tình đoàn kết quốc tế.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục