Những thay đổi cơ bản trên bản đồ dầu mỏ thế giới

Theo tiến sỹ Jose Toro Hardy, việc sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng dần đang mang lại những thay đổi cơ bản trên bản đồ dầu mỏ thế giới.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn nhà nước Mexico NOTIMEX ngày 27/11, Tiến sỹ Jose Toro Hardy, cựu lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Venezuela (PDVSA), cho rằng việc sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng dần đang mang lại những thay đổi cơ bản trên bản đồ dầu mỏ thế giới hiện nay, trong khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Venezuela chưa có sự chuẩn bị cho kịch bản này.

Tiến sỹ Hardy dẫn số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Mỹ sẽ trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới vào năm 2017, vượt Nga và Arập Xêút.

Trong thời gian qua, lượng dầu khai thác tại Mỹ đã tăng lên và ước tính sản lượng dầu thô cùng các chế phẩm dầu mỏ của nước này có thể lên tới 11,4 triệu thùng/ngày vào năm 2013.

Nước Mỹ hiện tiêu thụ trên 19 triệu thùng/ngày và do đó nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới phải nhập khoảng 9 triệu thùng/ngày. Vì thế, việc người Mỹ đang phấn đấu giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu vàng đen từ bên ngoài, đặc biệt là từ Venezuela và Trung Đông, là hướng đi đúng đắn của Mỹ.

Theo tiến sỹ Hardy, với việc Mỹ thực hiện chính sách trên, các nước thành viên của OPEC buộc phải xem xét lại chính sách của mình. Trong bối cảnh đó, các quốc gia ngoài OPEC, như Nga, Brazil, Colombia, Oman và Angola, cũng sẽ rơi vào thế khó khăn trong ngắn hạn và trung hạn.

Riêng Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này đã xây dựng chính sách "trông chờ" vào thu nhập từ nguồn dầu là chính, có thể ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu nguồn năng lượng này.

Nếu Mỹ đang trong quá trình giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và đẩy mạnh khai thác, Venezuela cần phải tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nếu không muốn rơi vào thế bị động.

Venezuela hiện xuất khẩu 1,2 triệu thùng/ngày sang Mỹ, tương đương với 53% GDP của nền kinh tế lớn thứ năm khu vực./.

Việt Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục