Siết chặt kiểm tra thực phẩm đông lạnh tại cảng

Việc “siết” lại quy trình kiểm tra, lấy mẫu vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng đông lạnh là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân.
Công ty Tân cảng Sài Gòn hiện có hơn 190 container hàng đông lạnh được các doanh nghiệp “chậm” giải phóng do cơ quan thú ý “siết” lại quy trình kiểm tra, lấy mẫu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trao đổi với báo chí chiều 21/9, đại diện Công ty Tân cảng Sài Gòn khẳng định đây là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân. Công ty sẽ tạo điều kiện bố trí mặt bằng tại bãi chứa contaner lạnh để chủ hàng làm xong thủ tục với hải quan và cơ quan thú y theo quy định của pháp luật.

Khi chủ hàng lánh mặt

Có mặt tại bãi chứa hàng lạnh tại cảng Cát Lái, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, mới chứng kiến được cảnh hàng trăm container lạnh chứa thịt gà, heo, bò... nằm trơ dưới nắng trong tiếng ù ù của máy điều hòa nhiệt độ. Một số container do để lâu ngày, phía ngoài đã đóng rêu xanh rì.

Theo phản ánh của các cán bộ hải quan cửa khẩu cảng Cát Lái, số lượng thực phẩm đông lạnh này được nhập về chủ yếu trong tháng 7 và 8 năm nay, nhưng đến nay chủ hàng vẫn chưa đến nhận hàng và làm thủ tục thông quan theo quy định.

Trong khi đó, đại diện Công ty Tân cảng Sài Gòn, đơn vị khai thác cảng Cát Lái, cho rằng sau nhiều lần gia hạn nhưng chủ hàng vẫn không đến, công ty vẫn phải cung cấp điện cho hệ thống lạnh của các container, cùng như chi phí lưu bãi.

Vì thời điểm này lượng hàng hóa qua cảng còn ít, nếu trong thời điểm hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao thì lượng container thực phẩm này sẽ ít nhiều gây cản trở cho hoạt động của cảng, vị đại diện công ty cho biết.

Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên các báo, trong số các container đang “nằm vạ” tại cảng Cát Lái, có nhiều container đã ở đây từ giữa năm 2008. Vào thời điểm đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đến làm việc với Công ty Tân cảng Sài Gòn, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng ở cảng, thì việc hàng chục container chứa hàng thực phẩm đông lạnh bị chủ hàng bỏ quên tại cảng Cát Lái cũng được nêu lên. Nhưng đến thời điểm này, việc giải quyết đầu ra của số container thực phẩm đông lạnh này vẫn chưa dứt điểm.

Gần đó không xa, cảng Phước Long ở quận 9, từ hơn 1 năm qua, cũng đang có 5 container với hơn 130 tấn thực phẩm đông lạnh, nhưng không có doanh nghiệp nào đến nhận.

Nói về số hàng này, ông Mai Văn Trí, Chi Cục phó, Chi cục Hải quan khu vực 4, cho biết lô hàng này là cánh gà đông lạnh được nhập về cảng ngày 27/8/2008. Theo đơn vận, chủ hàng là Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam (Vinafood) và Công ty Huỳnh Thảo nhưng chủ hàng không đến làm thủ tục thông quan là do hàng gửi nhầm.

Còn tại cảng Khánh Hội, quận 4, từ ngày 7/8/2008 đến nay, Vinafood cũng từ chối làm thủ tục cho hơn 1.800 thùng thịt gà đông lạnh. Dù đến thời điểm hiện nay, lô hàng này đã hết hạn sử dụng nhưng cảng vẫn phải giữ lại vì chủ hàng không chịu nhận, trong khi để tiêu hủy phải lập hội đồng với các thủ tục phức tạp.

Cần giải pháp mạnh tay

Số liệu thống kê mới nhất được Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh công bố ngày 19/9, cho biết tại các cảng trên địa bàn thành phố hiện tồn đọng hơn 200 container loại 40 feet, với hơn 5.300 tấn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Số hàng này đã nằm tại cảng nhiều tháng qua nhưng chủ hàng vẫn không giải phóng được hàng vì pháp lý của số hàng này chưa rõ ràng.

Theo các cơ quan chức năng, hiện tượng thực phẩm đông lạnh nằm vạ ở cảng từ 1 năm trở lên trong khi doanh nghiệp cố ý lánh mặt là do các doanh nghiệp trước đó đã không đủ tiền làm thủ tục thông quan cho số hàng này vì thời điểm cuối năm 2008, đầu ra của hàng hóa đông lạnh rất khó khăn.

Vì thời gian kéo dài, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, hạn sử dụng của số hàng hóa này đã hết. Vì vây, chủ hàng đã bỏ của chạy lấy người. Còn loại thực phẩm đông lạnh đang nằm tại các cảng từ đầu năm đến nay là do chủ hàng vướng quy định mới của cơ quan thú ý “xiết” lại quy trình kiểm tra, lấy mẫu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu như trước đó, các chủ hàng vô tư làm thủ tục đưa hàng về kho riêng của mình, rồi hoàn chỉnh thủ tục sau, nên đã có lúc giá thực phẩm đông lạnh nhập khẩu rẻ hơn giá thực phẩm trong nước.

Chỉ đến khi các sự cố về chất lượng thực phẩm đông lạnh được phát hiện, cơ quan thú y tiến hành lấy mẫu ngay khi hàng nhập về cảng, nếu đạt tiêu chuẩn, hàng mới được thông quan, thì ngay lập tức các chủ hàng “kêu” rằng: thủ tục gây khó khăn, doanh nghiệp phải chịu thiệt hại tiền lưu kho vì không làm được thủ tục thông quan.

Đánh giá một cách thẳng thắn về việc này, một cán bộ Phòng nghiệp vụ Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, mỗi container hàng thực phẩm đông lạnh nhập về cảng, chủ hàng tại Việt Nam chỉ phải đặt tiền cọc trước 20%. Nếu cơ chế kiểm tra lỏng lẻo, các doanh nghiệp làm thủ tục hối hả, để giải tỏa hàng, nhằm thu lợi nhuận.

Vì vậy, khi bị cơ quan thú y “tuýt còi” về chất lượng an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp này sẵn sàng không đến làm thủ tục hải quan để nhận hàng, chấp nhận bỏ tiền cọc cho số hàng hóa đã nhập về

Thực tế, các doanh nghiệp này biết rằng quy định xử lý hành vi bỏ hàng bằng cách không làm thủ tục thông quan, chưa rõ ràng; với mức phạt cao nhấtcũng chỉ có 1 triệu đồng. Để giải quyết triệt để tình trạng này, Tổng cục Hải quan phải sớm hành quy định xử lý các doanh nghiệp cố ý không làm thủ tục hải quan cho số hàng nhập khẩu đã về cảng.

Nhìn nhận về sự việc này, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Thú y vùng VI, đơn vị được giao nhiệm vụ gác cửa đầu vào của hàng hóa thực phẩm nhập khẩu tại thành phố, cho biết theo quy định, thực phẩm đông lạnh nhập về phải để tại cảng, chờ cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm. Nếu kết quả đạt chất lượng doanh nghiệp mới đưa về kho lưu trữ.

Trước đây, để tránh tình trạng tắc cảng và giúp giảm chi phí lưu bãi, lưu tàu, Trung tâm Thú y vùng VI, đã linh động cho phép doanh nghiệp đưa hàng thực phẩm đông lạnh về kho, sau đó mới lấy mẫu xét nghiệm.

Lợi dụng sự thông thoáng này, nhiều doanh nghiệp đã cho nhập các lô hàng thực phẩm đông lạnh chất lượng thấp dù chưa có giấy phép nhập khẩu của Cục thú y.

Để đảm an toàn thực phẩm, vì sức khỏe của người dân, ngành thú y đã xiết lại theo đúng quy định về lấy mẫu hàng hóa đông lạnh nhập khẩu. Chỉ khi nào có giấy bảo lãnh lô hàng nhập về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hải quan mới cho thông quan.

Hiện tượng thực phẩm đông lạnh nằm vạ tại các cảng là lỗi của các doanh nghiệp. Vì nếu doanh nghiệp làm ăn chân chính, cho nhập thực phẩm đông lạnh chất lượng đảm bảo, sẽ đáp ứng các quy định của thú y. Lúc đó việc thông quan sẽ nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục